Xe ga hay môtô phân khối lớn, những mẫu nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ thường có đèn luôn trong trạng thái bật sáng, không có nút điều chỉnh bật/tắt như xe sản xuất trong nước hay tại những nước khác ở châu Á. Vậy lý do nào khiến xe nhập khẩu từ những thị trường này đèn luôn sáng?
Đây là cách thiết kế của các hãng, nhằm giúp tài xế khác tăng cường khả năng nhận diện phương tiện khi di chuyển trên đường. Cách thiết kế này gọi là đèn ban ngày DRL (Daytime Running Light). Ánh sáng này thường có màu trắng, vàng hoặc hổ phách.
DRL có thể tạo thành bởi dài đèn riêng thường thấy trên ôtô hoặc đèn chiếu gần (cos), chiếu xa (pha), đèn xi-nhan được điều chỉnh cường độ cho phù hợp. Với công nghệ phát triển hiện nay, các hãng thường gắn bóng LED riêng tạo ánh sáng dễ nhận biết đồng thời thân thiện với môi trường.
DRL được phát triển từ những năm 1970. Ban đầu ở các nước Bắc Âu, nơi vào mùa đông ban ngày trời vẫn tối, giảm khả năng quan sát. Tháng 2/2011, Liên minh châu Âu đưa đèn ban ngày vào luật bắt buộc. Hiện nay, ngoài châu Âu, một số quốc gia khác cũng bắt buộc đèn ban ngày như Australia, Canada, Mỹ.
Sở dĩ chính phủ các nước bắt buộc sử dụng đèn ban ngày cho ôtô và xe máy vì thấy rõ những lợi ích. Nghiên cứu của Cục an toàn giao thông Mỹ (NHTSA) năm 2008 cho thấy, đèn pha giảm 5,7% số vụ tai nạn từ phía trước và bên hông giữa hai ôtô hoặc giữa ôtô với xe đạp, xe máy, người đi bộ.
Sử dụng đèn DRL với các công nghệ dùng đèn pha và đèn cos như trước đây đòi hỏi động cơ hoạt động hơn so với bình thường để nạp điện ắc-quy, kéo theo mức khí thải ra môi trường. Nhưng hiện nay, các hãng sử dụng công nghệ LED với mức tiêu thụ điện năng thấp, cường độ chiếu sáng hiệu quả và bền nên những lo ngại về ảnh hưởng môi trường còn rất ít so với trước đây.
Minh Hy