"Nên chứ, câu lạc bộ chúng tôi chuẩn bị rồi, cho phép là chạy thử nghiệm ngay", anh Nguyễn Hiếu, thành viên lâu năm của Câu lạc bộ Harley-Davidson tại Hà Nội hồ hởi chia sẻ về quyết định thí điểm cho xe phân khối lớn vào đường cao tốc của Bộ giao thông vận tải.
"Chính việc để môtô phân khối lớn chạy trên đường quốc lộ mới là không an toàn", anh Hiếu nhận định.
Thực tế, đường cao tốc chỉ đông xe vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, còn ngày bình thường khá vắng vẻ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng có đánh giá tương tự.
Theo các biker, đường quốc lộ thường có rất nhiều phương tiện, từ ôtô tới xe máy, xe đạp và thậm chí cả người đi bộ, súc vật chăn thả... Khi xe phân khối lớn chạy, tốc độ cao, kích thước lớn, tiếng động cơ gầm rú khiến nhiều người đi đường giật mình, thậm chí tự ngã, gây mất an toàn.
Biker đồng tình thí điểm chạy vào cao tốc. |
Bên cạnh đó, xe phân khối lớn thiết kế để chạy tốc độ cao, do vậy việc xoay sở ở không gian rộng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi chen chân vào những con đường hẹp, tốc độ thấp, tự bản thân người lái xe đã không thấy an toàn.
Về vấn đề lớn nhất mà các tài xế ôtô lo ngại là xe phân khối lớn cản trở giao thông, gây tai nạn cho ôtô trên cao tốc, người chơi xe lại có cách nhìn nhận khác. Thành viên của hội HOG cho biết, họ luôn có những chương trình tập luyện thường xuyên, để tăng kỹ năng điều khiển xe cũng như am hiểu luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, anh Duy Nguyễn, một người dân sinh sống tại TP HCM, chạy cả ôtô và môtô tỏ ra e ngại. Theo anh, ở nước ngoài, môtô phân khối lớn khi tham gia trên đường cao tốc đều có quy định làn xe riêng, họ chỉ có thể lấn qua làn xe hơi trong tình huống vượt xe khác và sau đó phải quay trở lại làn đường của mình.
"Hiện nay hầu hết cao tốc tại Việt Nam đều chỉ có 2 làn lưu thông và một làn dừng khẩn cấp, nên nếu để môtô lưu thông chung với xe hơi trên những làn đường này với tốc độ cao, nguy hiểm và rủi ro đối với xe phân khối lớn là rất cao", anh này cho biết thêm. Ngoài ra, bản thân anh cũng đã từng tham gia nhóm chơi môtô phân khối lớn, ở góc độ cá nhân, việc đưa xe phân khối lớn lên lưu thông trên cao tốc sẽ rất nguy hiểm.
Hầu hết các tài xế ôtô cũng quan ngại khi phải chia sẻ đường cao tốc với loại phương tiện hai bánh. Những người hay phải chạy xe đường dài cho biết, gặp rất nhiều người chạy môtô phân khối lớn còn khá trẻ, đam mê tốc độ của họ bị trói chân bởi những quy định tương tự xe máy cỡ nhỏ. Vì thế, khi cởi trói sẽ rất khó kiểm soát.
"Tiếng động cơ, tiếng pô, tốc độ là thứ mê hoặc khiến người lái lướt cùng tia chớp, nẹt pô, rồ ga, lắc giật, bốc đầu, vẫy đuôi, đánh võng thậm chí tổ chức biểu diễn, tổ chức đua... dẫn đến mất an toàn, nguy hiểm cho những phương tiện tham gia giao thông khác, cụ thể là ôtô", anh Phúc Tâm, người lái ôtô lâu năm, thường xuyên đi cao tốc bày tỏ. "Thêm nữa, trên cao tốc khi xảy ra tai nạn thường liên hoàn và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Cần đẩy mạnh công tác sát hạch, đào tạo. |
Những tay lái trẻ, chạy sportbike thường có cá tính mạnh hơn người trung niên chạy cruiser. "Cũng có một số thanh niên thích thể hiện, gây tai nạn, làm xấu đi hình ảnh của một biker thực sự, nhưng đó chỉ là thiểu số", thành viên HOG nhận định. Nhưng chuyện đó không liên quan gì đến việc môtô chạy vào cao tốc, vì "nếu anh ta đã thích thể hiện, thì đường cao tốc hay đường quốc lộ cũng giống nhau thôi".
Các thành viên khác tiếp lời, thường đi theo đoàn sẽ quy củ hơn khi chạy riêng lẻ vài ba xe, nhưng điều đó không có nghĩa cứ chạy một mình là chạy "hỗn". Môtô cũng như ôtô đều thiết kế để chạy tốc độ cao, do đó có sự phân biệt về mặt phương tiện là không hợp lý, mà quan trọng là chủ nhân điều khiển chiếc xe thế nào.
Những tay nài phân tích, thực tế khi va chạm ở tốc độ cao, người chạy môtô gánh rủi ro bị thương, thiệt mạng nặng hơn nhiều so với người ngồi trong xe hơi, vì thế nếu nói đến an toàn, thì chính người lái môtô mới cần phải lo lắng khi chạy trên cao tốc.
Hầu hết các tay lái đều có quan điểm, để không xảy ra tình trạng đáng tiếc trên cao tốc, thì việc cần làm là đào tạo luật, chặt chẽ trong khâu cấp giấy phép lái xe cũng như có các quy định, chế tài đủ sức răn đe.
Ông Minh Đồng, kỹ sư cơ khí từng làm việc tại Đức, cho rằng với cách đào tạo ôtô, môtô phân khối lớn hiện nay, không có bài tập hay thực hành trên cao tốc, nên những người tham gia giao thông trên cao tốc với tốc độ di chuyển lớn sẽ rất nguy hiểm.
"Nguy hiểm nhất là trong điều kiện trời mưa, tầm quan sát của môtô giảm, nếu chạy với tốc độ quy định tối thiểu trên cao tốc hiện nay khoảng 60 km/h, thì sẽ khó xử lý khi nhìn thấy vật cản đã quá gần. Trên đường cao tốc ngay bản thân xe hơi chạy với tốc độ 120 km/h cũng cần quãng đường phanh từ 60 m đến 100 m nên sẽ nguy hiểm hơn cho xe môtô nếu xảy ra va chạm", ông Đồng nói.
Bài thi A2 hiện nay không khác gì A1, nhưng thực tế thì môtô lại cần nhiều kỹ năng, tình huống để giải quyết hơn, do đó cần nghiên cứu lại cơ cấu bài thi, từ luật pháp cho tới kinh nghiệm lái xe.
"Nếu ngại thanh niên thường không tuân thủ pháp luật, có thể dời độ tuổi lấy bằng A2 chẳng hạn", đó là một ý kiến mà người chơi môtô đề xuất. Bên cạnh đó, cần phạt thật nặng nếu như có xe vi phạm như chạy quá tốc độ, chạy sai làn, gây tai nạn, từ phạt hành chính, tước bằng lái thậm chí tịch thu phương tiện.
"Đã cho nhập xe về, thì nên cho chạy. Còn vấn đề chạy thế nào, có gây ra tai nạn hay không lại nằm ở người lái, chứ không phải chiếc xe".
Đức Huy - Đức Quang