Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), đơn vị đang cập nhật quy hoạch phát triển ngành ôtô, giá xe ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, từ 50 – 300 triệu đồng tùy từng loại. Một phần lý do là chi phí sản xuất và mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe dưới 9 chỗ trong nước cao hơn so với mức thuế nội địa của các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Graurav Gupta - Tổng giám đốc Công ty GM Việt Nam cho hay, điểm yếu của công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay là còn nhỏ bé và chỉ tập trung vào thị trường trong nước.
“Chi phí sản xuất ôtô dạng CKD (nhập khẩu 100% linh kiện về lắp ráp trong nước) cao hơn so với nhập khẩu cùng loại, hạ tầng chưa phát triển và chậm đưa ra quy hoạch phát triển để hỗ trợ nhà sản xuất phát triển chiến lược kinh doanh của mình”, ông Gaurav Gupta phân tích.
Giá xe ở Việt Nam đắt hơn Thái Lan, Indonesia khoảng 50-300 triệu đồng mỗi chiếc. Ảnh: Anh Quân |
Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp cho rằng tiềm năng thị trường Việt Nam là dân số đông và kinh tế tăng trưởng ổn định. Các hãng ôtô đã xây dựng nhà máy sản xuất từ cách đây gần 20 năm. Tuy nhiên, tăng trưởng của thị trường thời gian qua không được như kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu lại là do tác động bởi chính sách điều tiết trong nước.
Mặt khác, với mốc thời gian năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, nếu không có những thay đổi chiến lược, thì có khả năng Việt Nam rơi vào tình trạng của Philippines vài năm trước. Đó là khi thị trường chưa phát triển, các nhà sản xuất lắp ráp rút lui khỏi thị trường để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc. Đến khi nhu cầu tiêu dùng ôtô bùng nổ lại phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm, giá trị nhập ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam đạt khoảng một tỷ USD, xấp xỉ 1% kim ngạch. Trong đó, loại dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu chiếm tới 50% số lượng xe nhập.
Cũng do công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, nên tỷ lệ nội địa hóa của các loại xe còn thấp, từ 10-30% với xe du lịch và cao nhất với xe bus cũng chỉ là 40%. Nghĩa là, phần linh phụ kiện phải nhập khẩu phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm hơn 50% giá trị chiếc xe.
Số liệu cập nhật trong Dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp ôtô mới cũng cho thấy, thị trường ôtô tại Việt Nam chỉ bằng 50% Philippines; 20% của Malaysia; 10% của Indonesia và hơn 4% so với Thái Lan. Với thực tế này, áp lực cạnh tranh từ các nước cùng khu vực với ngành công nghiệp ôtô trong nước ngày càng lớn khi lộ trình cắt giảm thuế CEPT hoàn tất vào năm 2018.
Đặc biệt, việc phổ cập ôtô được các hãng sản xuất và Bộ Công Thương dự báo là sẽ diễn ra vào giai đoạn 2020-2025. Khi đó, nếu Việt Nam không sản xuất được ôtô trong nước sẽ phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ gây thâm hụt cán cân thương mại.
Chia sẻ thực tế này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) cho hay, cần phải xem ngành này là trọng điểm, được ưu tiên phát triển ở Việt Nam và sớm có các chính sách liên quan được ban hành. “Chính sách phải đảm bảo thị trường ôtô có quy mô đạt 400.000 xe một năm vào thời điểm 2020”, ông Dương nói.
Mở rộng thị trường cũng được Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam - VAMA cụ thể hóa bằng đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn 20-25% với mặt hàng này từ năm 2014 trở về sau, cho vay ưu đãi mua xe tải nhẹ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng… Về phía mình, Thaco đang đón xu hướng phát triển của thị trường với việc hướng vào xe ôtô chạy điện.
Theo Đầu tư