Với các tài già, ngay cả khi vào cua ở tốc độ cao có thể dùng một tay vần vô-lăng, không cần đạp phanh vẫn qua cua mượt mà. Nhưng với lái mới, việc vào cua là cả một vấn đề toát mồ hôi, bởi chưa quen cảm giác tốc độ, ước lượng góc đánh lái cũng như hiểu về chiếc xe mình đang lái.
Cách tốt nhất để một lái mới nhanh "ngộ" ra phương pháp là luyện tập liên tục, đồng thời trải nghiệm trên nhiều dòng xe khác nhau, bởi lẽ mỗi xe lại có góc quan sát, cấu tạo vòng xoay vô-lăng và độ cân bằng không giống nhau. Nếu không cẩn trọng, tài xế có thể đưa xe mình vào tình trạng understeer hoặc oversteer.
Độ cân bằng khi vào cua trên một chiếc SUV và sedan là khác nhau. |
Tại buổi đào tạo dành cho các nhà báo từ châu Á tổ chức ở đường đua Bira (Thái Lan), hướng dẫn viên của Porsche lần lượt cho các nhà báo trải nghiệm tới 6 dòng xe của Porsche, từ chiếc sedan êm ái như Panamera tới SUV gầm cao Cayenne và sportcar hiệu suất cao Porsche 911 Turbo.
Tốc độ đề nghị được nâng cao dần sau mỗi vòng trải nghiệm lái xe qua đường thẳng và khúc cua, sự khác biệt thể hiện ngay ở mỗi dòng xe. Nếu là một chiếc sedan chạy ở chế độ normal tập trung nhiều vào sự êm ái, tài xế sẽ phải đạp phanh lâu và sâu hơn, lấy lái nhiều hơn để xe vào cua đúng ý.
Khi ngồi trên SUV, trọng tâm cao hơn nên nếu không tin tưởng vào các công nghệ hỗ trợ cân bằng của xe, tài xế phải giảm tốc độ xuống sâu hơn để không còn cảm giác chông chênh. Cuối cùng, gọn gàng nhất chắc chắn là sportcar 911 Turbo, góc lấy lái nhỏ, trọng tâm thấp, xe đầm, tài xế không phải vẹo người theo vô-lăng, mà chỉ cần hướng mắt tới cua, đưa vô-lăng theo hướng muốn tới, xe lập tức phản ứng chính xác những gì cần làm, ngay khi tốc độ cua gắt ở 70-80 km/h.
Nhưng đáng tiếc, trong thực tế đời sống đồng hành cùng các tài xế thường là những xe dân dụng chứ không phải xe thể thao hiệu suất cao. Vì thế để vào cua chính xác, an toàn trên đường công cộng, các kỹ thuật viên khuyên phương pháp như sau:
Bước 1: Tập trung quan sát
Quan sát ở đây không chỉ để nhận ra khúc cua trước mặt mà còn để biết cua dài hay ngắn, điều kiện mặt đường thế nào, dòng xe cộ phía trước và sau...
Bước 2: Giảm tốc độ vào cua an toàn trước khi đánh lái
Nhiều tài xế do chủ quan nên không phanh khi vào cua, hoặc khi đang vào cua mới rà phanh. Việc rà phanh (trail-braking) chỉ áp dụng cho các tay đua để tiết kiệm thời gian cắt cua, còn trong đời sống thì không nên.
Khi nhìn thấy đoạn đường sắp có cua, tài xế nên chủ động phanh giảm tốc từ trước đến tốc độ an toàn.
Bước 3: Vào cua
Khi đã giảm tới tốc độ an toàn, lúc này mới đánh lái đưa xe qua cua. Lời khuyên của chuyên gia là không nên đánh lái nhiều lần. Tức ước lượng độ cong của cua, lấy lái một lần và giữ cố định góc xoay vô-lăng tới khi thoát cua. Trừ khi góc cua quá dài hoặc lấy lái lần đầu hơi ít, tài xế có thể nhích thêm vòng xoay để đưa xe vào đúng quỹ đạo.
Sở dĩ nên lấy lái một lần bởi lẽ điều này tạo sự cân bằng. Tránh trường hợp do lấy lái quá nhiều nên tài xế rơi vào cảnh oversteer, xe xoay ngang, hoặc do chủ quan nên ở lần lấy lái đầu tiên hơi ít, dẫn đến understeer, xe chạy thẳng ra lề đường.
Bước 4: Thoát cua
Thoát cua tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người lái phải mượt mà để không tạo ra độ giật quán tính khiến người ngồi trên xe lao đao. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tài xế nên đánh lái một lần khi vào cua, lúc đó khi đến hết khúc cua là bánh xe cũng sắp chuyển về trạng thái chạy thẳng, nhờ đó thân xe chuyển hướng nhẹ nhàng, êm ái.
Nếu đánh lái quá nhiều, tài xế sẽ phải giật vô-lăng ngược lại khi hết cua, lúc đó thân xe bị chuyển hướng đột ngột, khiến người ngồi cùng có cảm giác bị quăng quật từ bên này sang bên kia xe.
Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là luyện tập. Các tài xế nên giữ cái đầu lạnh để không bị cuốn bởi tốc độ. Ngồi sau vô-lăng xe càng hiện đại, càng trang bị nhiều công nghệ càng cho cảm giác an toàn ảo, chủ quan nên ga, phanh, đánh lái đều không ở ngưỡng an toàn. Đến đích an toàn mới là điều quan trọng, chứ không phải cắt cua thiện xạ ra sao.
Đức Huy