Bánh tét
Ở miền Trung, ngày Tết người dân thường gói bánh Tét. Bánh được gói bằng lá chuối với nhân bánh giống bánh chưng ngoài Bắc gồm gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. bánh tét được gói thành hình trụ dài, khi cắt khoanh bánh tròn, đẹp mắt. Bánh tét là món bánh trang trọng trên mâm cỗ Tết. Vào những ngày xuân, nhà nào cũng có một cặp bánh trên bàn thờ. Khách đến chơi nhà được mời khoanh bánh ngon, ăn kèm dưa món đậm đà thi vị.
Bánh in
Bánh in là loại bánh rất phổ biến ở miền trung trong những ngày lễ, Tết. Bánh được làm bằng bột nếp, bột đậu xanh và dễ làm, nhưng không phải ai cũng làm khéo để có được những chiếc bánh vừa dẻo, vừa xốp, không cứng cũng không bở. Từ những hạt gạo nếp say nhuyễn cùng đường cát và đậu xanh tạo nên những chiếc bánh ngon đặc biệt của mảnh đất miền Trung.
Bánh tổ
Với người dân xứ Quảng Nam, bánh tổ là loại bánh của ngày Tết. Bất kẻ sang hèn, gia đình nào cũng có bánh tổ trên bàn thờ gia tiên. Truyền thuyết kể rằng loại bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ. Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào trong khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
Bánh su sê
Với người Huế, bánh su sê (hay phu thê) không chỉ là món bánh dùng trong lễ cưới hỏi mà còn trong những ngày lễ Tết. Bánh được làm từ bột sắn có nhân đậu xanh với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy. Bánh phu thê Huế khi ăn có vị dai dai của bột, sần sật của dừa, ngon ngọt của nhân đậu, thơm của nước hoa bưởi và lá dừa. Ngày nay, có nhiều loại bánh thay thế nhưng bánh phu thê Huế vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Bánh măng
Trên bàn thờ cúng gia tiên của người Huế còn có món bánh măng , một loại bán hình vuông cạnh gói bằng giấy bong kính màu vàng trong, vị ngọt mát, làm bằng bột nếp trộn với măng tươi và đường kính, dùng làm món ăn chơi bời như một thứ quà dành cho cả người lớn lẫn trẻ con và có thể ăn bất cứ lúc nào cũng được. Bánh dẻo mềm, thơm và những sợi măng non thêm cảm giác thú vị của hương vị quê nhà.
Bánh đậu xanh
Vẫn chỉ là những nguyên liệu vườn quê như bao nơi khác, nhưng bánh đậu xanh Hội An lại mang một phong vị, một đặc trưng riêng của vùng đất xứ Quảng nhỏ bé hiền hậu. Xuất hiện từ trước thế kỉ thứ 18. Loại bánh này đã từng được cư dân dùng để tiến vua. Bánh được làm từ đậu xanh loại ngon và phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như như nấu, nghiền, ngào bột với đường, ép bánh, sấy khô... Ăn miếng bánh đậu xanh của Hội An ngoài vị ngọt còn thấy rõ bị béo thơm của mỡ, của đậu, uống cùng nước trà lại càng xứng hợp hơn.
Bánh thuẫn
Trong những ngày giáp Tết, đi bất cứ con đường làng quê nào ở miền Trung, bạn đều sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn. Bánh thuẫn làm rất đơn giản, nguyên liệu chỉ gồm bột, trứng, đường, vani và vài chiếc khuôn. Thế nhưng cái khó của món bánh này là làm sao để là được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Bánh thuẫn còn được ưa thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác. Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng.
- 06/02/15 10:08 Người dân châu Á ăn món gì trong dịp Tết Âm lịch?
- 05/02/15 09:06 "Điểm danh" những món ngon không thể thiếu trong ngày Tết
- 02/02/15 15:12 Lạp xưởng ăn Tết
- 28/01/15 14:11 5 đặc sản Tết có giá tiền triệu vẫn đắt hàng