Sầu riêng là loại quả phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam và có không ít các chị em "say mê" loại quả này. Bởi vì vị ngọt bùi hấp dẫn và mùi thơm của quả sầu riêng thật khó ngăn cản sự thèm ăn của các mẹ nhưng liệu mẹ bầu có thể ăn loại quả này khi mang thai?
Lợi ích khi mẹ bầu ăn sầu riêng
Sầu riêng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào nhờ có chứa các loại đường đơn giản chẳng hạn như fructose và sucrose, bên cạnh đó, sầu riêng còn là một nguồn khoáng chất và vitamin đa dạng.
Phần cơm sầu riêng rất mềm nên dễ tiêu hóa, là một nguồn chất xơ có lợi trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh táo bón trong thai kỳ.
Hàm lượng chất xơ có trong sầu riêng còn giúp bảo vệ màng nhầy vì nó làm giảm thời gian tiếp xúc của cơ thể với các độc tố đồng thời giúp loại bỏ bất kỳ hóa chất có nguy cơ gây ung thư từ đường ruột.
Ảnh: Shutterstock.
Sầu riêng còn là nguồn vitamin nhóm B dồi dào như vitamin B1, B2, B3 giúp tăng cường sức khỏe và đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể.
Sầu riêng cũng là một nguồn thực phẩm chứa các dưỡng chất thiết yếu như đồng, mangan, sắt và magiê tạo nên các tế bào hồng cầu, hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Lưu ý khi mẹ bầu ăn sầu riêng
Sầu riêng có chứa hàm lượng đường và carbohydrate khá lớn, là một loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao do đó có thể khiến mẹ bầu bị tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ. Vì vậy, mặc dù sầu riêng được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng các mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều loại quả này.
Nếu mẹ bầu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thì nên tránh xa sầu riêng, vì hàm lượng đường cao trong sầu riêng có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh.
Trong thực tế, có khá nhiều lời khuyên rằng phụ nữ mang thai nên tránh ăn sầu riêng vì thực phẩm này có thể làm nóng cơ thể và gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu chỉ tiêu thụ một lượng vừa phải và có kiểm soát thì không có tác hại gì.