Khi đến khu vực chân Cầu Bông (Quận Bình Thạnh), hỏi " phở số 2" hay "Phở bà Phương", chắc hẳn người dân xung quanh không ai là không biết đến một quán phở đã gây ấn tượng mạnh bởi hương vị truyền thống hơn 30 năm nay, nằm ở số 2A đường Đinh Tiên Hoàng.
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào quán là không gian bình dị, sạch sẽ, cùng với đó là mùi vị đặc trưng của nồi nước lèo thơm phức đã gắn với thương hiệu của quán hơn 35 năm qua. Ngày từ sáng sớm, mọi người đã tất bật chuẩn bị để kịp thời phục vụ giờ ăn sáng trong ngày.
Quán mở cửa từ rất sớm.5 giờ sáng - nhân viên trong quán tấp nập chuẩn bị mọi thứCô Nguyễn Thị Minh Phương (69 tuổi - chủ quán) cho biết: "Nghề bán phở này chỉ là cái nghề thời cuộc, cuộc đời đưa đẩy. Mẹ tôi rất khéo nấu ăn nên từ bé đã theo mẹ học hỏi. Tôi cũng từng là giáo viên, nhưng đi dạy được một thời gian thì xin nghỉ, sau đó có dự định mở quán ăn. Sau khi đi tìm hiểu nhiều nơi, thấy phở dễ bán nhất nên tôi đã gắn bó với nó đến bây giờ".
Cô Phương không ngờ quán Phở lại gắn bó đến mình đến tận bây giờ."Nhà tôi có hai vợ chồng với hai đứa con. Đứa lớn định cư bên Mỹ, còn đứa nhỏ làm ở ngân hàng. Nó đi làm về phụ chút thôi chứ không chịu theo cái nghề bán phở này đâu. Vậy nên tôi định chuyển giao cho người khác chứ không làm nổi.
Nhiều lúc muốn đóng cửa nhưng khách ở đây có gia đình đến 3-4 thế hệ, họ hay ăn nên nảy sinh tình cảm thân quen. Tôi đóng cửa thì họ cứ đến hỏi thăm và khuyên đừng bỏ quán này" - cô nói thêm.
Quán 5h mở cửa, nhưng cô Phương phải dậy từ lúc 4h để chuẩn bị.Bên cạnh những hương vị đặc trưng gắn liền với món "phở cô Phương", cách phục vụ của nhân viên cũng khiến thực khách đến đây hài lòng. Quán kỹ từng li từng tí, từ công đoạn chế biến đến vệ sinh. Mỗi nhân viên trong quán sẽ đảm nhận một công việc khác nhau như: nhặt rau, thái thịt, phục vụ...
Mỗi nhân viên trong quán sẽ đảm nhận một công việc khác nhau.Cô cởi mở: "Tôi chỉ giao cho nhân viên những công việc phụ như chuẩn bị nguyên liệu, còn gia vị thì tôi vẫn nắm, vì nhiều lúc để nhân viên làm thì chất lượng sẽ không được như tôi làm và sẽ ảnh hưởng đến khách. Nếu có người quản lý nào giỏi thì sẽ giao lại nhưng mà khó tìm lắm".
Mặc dù đã 35 năm nhưng quán vẫn không thay đổi quá nhiều như những ngày đầu mới mở. Bí quyết cho ra hương vị phở mà ít người làm được, theo cô Phương là nằm ở nồi nước lèo hầm từ xương ống bò. Để có nồi nước lèo ngon ngọt tự nhiên, cô phải hầm xương trong hai ngày thì mới lấy được cái vị ngọt thanh.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Bánh phở không nhỏ như sợi bánh phở trong Nam, cũng không to và dày như phở gốc Bắc. Thịt bò được cắt lắt to và dày, trụng vừa chín tới, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, mềm, cho thấy được “tay nghề cao” của chủ quán. Trong một tô phở đặc trưng của quán còn có rất nhiều hành lá và hành tây cắt mỏng.
Vị ngọt thanh và những miếng thịt mềm khiến hương vị của "Phở bà Phương" trở nên "độc quyền".Chị Thu (nhân viên quán) cho hay: "Tôi bán ở đây đã gần 17 năm. Từ năm 16 tuổi bước chân lên Sài Gòn đã được cô chỉ dạy từng bước một từ những việc đơn giản đến phức tạp nhất. Đến bây giờ đã có chồng có con rồi nhưng vẫn gắn bó với quán phở này."
Chị Thu gắn bó với quán phở đã gần 17 năm.Mỗi khi khách đến thưởng thức cô rất niềm nở đón tiếp và thăm hỏi cảm nhận của thực khách về hương vị phở để cải thiện tốt hơn. Thực khách của quán rất đa dạng, có những gia đình ba thế hệ, đã ăn ở đây từ lúc quán mới mở đến tận bây giờ. Hay nhiều người dù chuyển đi xa nhưng vẫn thường xuyên ghé về quán thưởng thức hương vị đặc trưng của quán.
Cô Phương rất niềm nở bên những thực khách.Khoảng 7h đến 10h sáng, khách hàng đến quán khá đông.Gia đình bé Hữu Huy (lớp 7, quận Phú Nhuận) chia sẻ: "Chúng tôi hay ăn ở đây, thấy ngon nên ủng hộ. Từ lúc biết tới quán này, ngày nào không đi học là mấy đứa nhỏ cứ nằng nặc đòi đi ăn 'phở bà Phương'. Nhiều lúc chúng tự đi xe đạp từ đường Hoàng Hoa Thám đến tận đây chỉ để ăn được tô phở."
Gia đình Hữu Huy đã gắn bó với quán phở từ lúc mới mở.Bác Lê Đức Du (80 tuổi, Gò Vấp) lại kể: "Tôi ăn ở đây mấy chục năm, đến nỗi cô Phương nhớ mặt luôn, thấy là bán chứ không cần phải hỏi ăn gì. Từ Bắc vào Nam sinh sống đã 41 năm này thì ăn ở đây 35 năm. Phở ở đây rất khác những nơi khác. Cái thứ nhất cái mùi, thứ hai là nước lèo, cái thứ ba là hợp vệ sinh. Lúc ở gần đây thì một tuần 3 đến 4 bữa, giờ chuyển nhà ở xa nên chỉ đến vào thứ Bảy và Chủ nhật".
Chú Du vẫn gắn bó với quán Phở dù không còn ở gần như trước kia."Tôi mới dưới quê lên, được con gái mời đi ăn ở đây, thấy vị dễ ăn, thơm và ngọt. Bình thường quê không có món này, nay có dịp chỉ có hai mẹ con với đứa cháu ngoại đi thưởng thức món phở cho biết mùi vị" là tâm sự của cô Lê Trần Khánh Trân (72 tuổi, quê Mỹ Tho).
Gia đình gồm ba thế hệ đến thưởng thứcGiữa Sài Gòn - nơi văn hóa ẩm thực mọi miền tụ hội, thật khó để tìm được những quán ăn vẫn giữ được hương vị truyền thống qua năm tháng như thế này. Hi vọng cô Phương và các nhân viên sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những đặc trưng không đâu có được của quán phở "thương hiệu bà Phương".