Hội An - nước sông Hoài dâng cao gây ngập nhiều tuyến phố cổ
Sáng 3/11, báo cáo nhanh của Chi cục Phòng, chống thiên khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho thấy thiệt hại lũ miền Trung vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện có 4 người chết, hàng nghìn nhà cửa bị ngập.
Trong những ngày qua, mưa lũ đã khiến 4 người chết, 1 người mất tích, 15 người khác bị thương. Trong đó, Quảng Bình có 2 người chết, 1 người mất tích, 13 người bị thương; Quảng Trị có 2 người chết, 1 người bị thương; Thừa Thiên-Huế có 1 người bị thương.
Ngoài ra, thiệt hại về tài sản tiếp tục tăng. Tại các tỉnh miền Trung đã có 9 nhà bị sập hoàn toàn; 120 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 18.864 nhà bị ngập. Tại Quảng Trị, 200ha hoa màu bị ngập, hư hại, 3.180 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Hiện, lũ trên các sông ở Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Kon Tum dao động ở mức báo động 1. Tình trạng ngập lụt tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục giảm dần.
Tuy nhiên, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam - Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum.
Được biết, trong ngày 2/11, các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương (Thừa Thiên-Huế) và trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa từ lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh. Thủy điện An Khê - Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.
Riêng nhà máy thủy điện A Roàng, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương, đất đá đã tràn vào nhà máy phát điện làm gián đoạn quá trình vận hành nhà máy.
Hiện nhà máy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 70 cán bộ, chiến sĩ cùng vật tư, xe máy thiết bị để xử lý sạt lở. Đang bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài. Sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư hạ du.
Tấn Việt / Báo Giao thông
Có thể bạn quan tâm: