- Chào đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (Phan Xi Nê), đầu tiên xin được chúc mừng bộ phim đã hoàn thành một cách thuận lợi.
Chào các bạn độc giả của Thế Giới Trẻ.
- Đầu tiên, xin anh cho biết tại sao anh lại lựa chọn chuyển thể tác phẩm “Cô gái đến từ hôm qua” thành phim trong rất nhiều các tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?
Lý do thì cũng rất đơn giản và cũng khá lãng xẹt nữa (cười). Một lần tôi gặp một người bạn lúc đó đã là nhà sản xuất phim và đã mua được bản quyền của cuốn sách này. Thật ra cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà tôi muốn chuyển thể là cuốn “Thằng quỷ nhỏ”. Vì tôi cảm thấy mình có rất nhiều sự đồng cảm với nhân vật Quỳnh của “Thằng quỷ nhỏ”. Việc quyết định tác phẩm giống như được định trước vậy. Chính vì thế, khi thực hiện bộ phim này, tôi cũng đã có “ăn gian” một chút khi biến Thư trong phim trở thành một nhân vật mà ngày xưa tôi ước ao mình được trở thành khi còn là học sinh.
- Vậy thì thời học sinh của anh đã trôi qua như thế nào mà đến thời điểm này, anh phải thông qua nhân vật trong phim mới có thể có được thỏa mãn về quãng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường đó?
Thời học sinh của tôi trôi qua trong sự êm đềm và thậm chí là tẻ nhạt. Ngày xưa đi học, tôi làm lớp trưởng, học giỏi, ngoan hiền và thuộc tuýp học sinh mẫu mực không bao giờ trốn học, không bao giờ bị thầy cô la,… Nhân vật Thư trong phim thì lại là một hình ảnh hoàn toàn đối lập với tôi. Tôi ước rằng nếu như hồi xưa mình cũng như vậy thì có lẽ là vui hơn.
đạo diễn phan gia nhật linh tại buổi họp báo ra mắt phim tại Hà Nội |
- Bộ phim này lại đánh dấu một lần nữa sự hợp tác giữa anh và bộ đôi Miu Lê – Ngô Kiến Huy. Tại sao vẫn tiếp tục lựa chọn những diễn viên đã khá thân quen với mình?
Mặc dù ngô kiến huy và miu lê là những diễn viên quen thuộc với tôi, thế nhưng vai diễn này đối với họ không còn thân quen nữa. Chẳng hạn như Việt An của “Cô gái đến từ hôm qua” hoàn toàn khác với nhân vật Thanh Nga trong “Em là bà nội của anh”. Ngô Kiến Huy đóng vai chính trong phim này thì cũng là một thử thách vì đây là một vai khá nặng kí. Tôi cũng luôn có quan niệm phải làm mới diễn viên của mình, ngay cả những diễn viên đã rất quen thuộc, tạo cho họ một đời sống mới, một hình ảnh mới.
- Để ý rằng cả 5 vai chính thì đều được đảm nhiệm bởi những ca sĩ “lấn sân” sang diễn xuất. Tại sao anh không lựa chọn diễn viên chuyên nghiệp cho bộ phim của mình?
Tôi không chọn ca sĩ đi đóng phim. Tôi chọn 5 người này vào bộ phim, nghĩa là tôi đã coi họ là diễn viên, vô tình họ đi hát thôi. Hiện giờ, cho tôi 5 diễn viên chuyên nghiệp khác diễn hay hơn 5 người mà tôi đã chọn đi, có thể tôi sẽ suy nghĩ về việc đó.
Đạo diễn cùng dàn diễn viên chính trong phim |
- Thời học sinh của Nguyễn Nhật Ánh khác, thời học sinh của anh khác, thời học sinh của các diễn viên cũng khác, vậy anh làm thế nào để dung hòa 3 thế hệ học sinh và tạo ra mẫu số chung trên phim?
Tôi nghĩ rằng học sinh thời nào cũng khá giống nhau, học sinh thời Nguyễn Nhật Ánh, học sinh thời của tôi hay học sinh thời Miu Lê và Ngô Kiến Huy thì đều giống nhau. Chính vì thế khi đọc được truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tôi có thể hiểu được những cảm xúc đó. Những cảm xúc khi một tên con trai thấy một cô bạn học rất xinh mà không biết làm sao để làm quen, thậm chí bạn gái cho mượn sách những 2 lần mà không biết bạn thích mình. Những cảm xúc như vậy tôi nghĩ ai trải qua thời học sinh rồi cũng sẽ hiểu. Điều đó chứng tỏ, nam sinh thời nào cũng “ngu” như nhau, nữ sinh thời nào cũng “ma mãnh” như nhau cả. (cười).
Tôi cũng rất may vì có 5 bạn diễn viên tuổi thì già nhưng tâm hồn thì trẻ. Thế nên việc các bạn hóa thân vào nhân vật rất dễ dàng. Tôi cũng may mắn có được 30 bạn diễn viên quần chúng rất dễ thương và hồn nhiên và chính điều đó cộng hưởng làm nên tinh thần của bộ phim.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});- Anh có sợ bộ phim của mình bị so sánh hay không?
Nếu mình cứ sợ rồi mình không làm thì không bao giờ mình có thể làm gì được. Tôi biết chắc chắn sẽ có sự so sánh từ rất nhiều hướng. Nhưng đó là chuyện của mọi người, không phải là chuyện của mình. Tôi không thể kiểm soát được suy nghĩ của mọi người.
- Anh có đặt kì vọng gì ở phim?
Tôi kì vọng là khi xem xong phim mọi người sẽ tìm được tuổi thơ, tìm được tuổi thanh xuân của mình.
đạo diễn phan xi nê cùng ca sĩ Trúc Nhân tại phim trường (Ảnh: FB Phan Xine) |
- Anh có dự định chuyển thể tiếp các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không?
Không. Tôi luôn tìm những câu chuyện mới, những cảm xúc mới cho những bộ phim của mình. Nếu có chuyển thể, tôi nghĩ chắc cũng phải một thời gian dài nữa và cũng là một tác phẩm khác, một chủ đề khác chứ không phải học đường nữa. Như tôi đã nói, tôi “ăn gian” chuyển thể nhân vật mình muốn vào tác phẩm này rồi.
- Việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành phim, làm lại phim nước ngoài,… đang tạo ra sức hút lớn với khán giả và các phim đó cũng khá thành công. Anh có nghĩ đó là xu hướng và mình đang đi theo xu hướng đó không?
Tôi không biết, vì đó là chuyện của những nhà làm phim khác. Bản thân tôi khi làm phim cũng không quan tâm đến xu hướng gì hết, tôi quan tâm đến bộ phim của tôi nhiều hơn.
- Bộ phim còn chưa được chiếu tại Việt Nam nhưng đã được lựa chọn tham dự Liên hoan phim quốc tế giả tưởng Bucheon (Bucheon International Fantastic Film Festival - BIFAN) lần thứ 21, diễn ra từ ngày 13 – 23/7 tại Bucheon, Hàn Quốc. Anh có nghĩ bộ phim đã thành công bước đầu không?
Tôi nghĩ đó là may mắn. Với tôi, đây cũng chưa phải là một bộ phim nghệ thuật để đi dự liên hoan phim, đây cũng không phải là một bộ phim thương mại để trở thành bom tấn phá vỡ kỉ lục phòng vé. Tôi chỉ thấy đây là một bộ phim thể hiện một lát cắt cuộc đời, cho mọi người có cơ hội hoài niệm về thanh xuân. Vì thế điều quan trọng nhất là nó chạm đến cảm xúc của khán giả còn mọi thứ khác xảy đến đều là may mắn.
- Có phải bộ phim này đối với anh là một sự may mắn?
Với tôi phim nào cũng là sự may mắn cả. Tôi rất may mắn được là đạo diễn của phim này.
Cám ơn anh vì cuộc trao đổi này. Chúc bộ phim "Cô gái đến từ hôm qua" thành công!