Nằm trong dự án “Cùng con đi khắp thế gian” – một dự án du lịch giáo dục dành cho trẻ tự kỉ đã ra mắt phim nghệ thuật “Lý Áo dài”.
Nội dung phim xoay quanh hai nhân vật chính là bà mẹ với cậu con trai bị mắc chứng tự kỉ và hành trình nuôi dạy con trở thành một cậu thanh niên sống bình thường và biết yêu thương. Câu chuyện phim tóm tắt như sau:
Yến là một cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, được cha mẹ nuông chiều và với điều kiện gia đình đi kèm học vấn cao, cha cô luôn mong muốn gả cô cho một gia đình danh giá môn đăng hộ đối vì vậy dù bao nhiêu đám tới hỏi cưới nhưng cha cô đều từ chối. Rồi một hôm, Yến mang những chiếc áo dài của mình đi sửa và gặp Tuấn – anh chàng thợ may chỉ có cuộc sống vừa đủ ăn. Ngày Tuấn đến nhà hỏi cưới Yến cũng là ngày ba Yến tức giận đuổi con gái ra khỏi nhà.
Yến và Tuấn cưới nhau trong lặng lẽ nhưng có cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Rồi Yến có thai đứa con đầu lòng, trong một lần đi ngoài đường, cô gặp tai nạn té đập bụng bầu xuống đất rất mạnh và khiến đứa bé sinh ra không được bình thường – Lý con Yến – là một đứa trẻ tự kỉ, cậu bé không tiếp xúc với ai chỉ biết có mẹ, đến tuổi đi học, Lý bị nhà trường trả về với lý do Lý là học trò không tập trung học, luôn làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp.
Không đầu hàng số phận và với kiến thức sẵn có, Yến quyết tâm nuôi dạy con mình một cách kiên nhẫn và đặt vai trò của mình làm bạn đồng hành của con. Cứ thế, Lý dần trưởng thành bằng tình yêu và sự hi sinh của mẹ. Sóng gió ập tới một lần nữa khi Tuấn đột nhiên qua đời để lại cho Yến một cú sốc tinh thần không thể vượt qua nổi đến mức hóa điên dại.
Lý lúc này đã trưởng thành, là sinh viên mỹ thuật có năng khiếu vẽ thừa hưởng từ cha. Vì quá thương mẹ, Lý hầu như không còn biết việc gì khác ngoài cố gắng đi làm thêm kiếm tiền chăm sóc cuộc sống của hai mẹ con. Trúc là lớp trưởng lớp Lý – một cô gái có điều kiện và tài năng. Trúc nhận thấy bạn mình có những biểu hiện bất thường, Trúc đã âm thầm tìm hiểu và xót thương cho hoàn cảnh của bạn, Trúc tiếp cận Lý và đôi bạn đã cùng nhau lấy lại kí ức cho Yến cũng như mở ra một câu chuyện tình đẹp của những người trẻ.
Cốt truyện được xây dựng trên nền tảng chiếc áo dài cưới mà Tuấn đã dùng để cầu hôn Yến. Chiếc áo dài xuyên suốt những kí ức đẹp và cũng từ câu chuyện chiếc áo dài mà Lý đã giúp mẹ mình thoát khỏi cảnh điên dại. Bộ phim có nhiều tình tiết xen lẫn như tấm gương phản chiếu giữa mẹ con Lý khi Lý còn nhỏ và khi đã trưởng thành.
Với vai trò là chủ nhiệm phim cũng như chủ nhiệm dự án “Cùng con đi khắp thế gian”, bà Trương Ngọc Minh Đăng chia sẻ: “Phim được xây dựng dựa vào một số tình tiết có thật mà chính mẹ con tôi đã trải qua nhưng được giảm nhẹ để đề cao tính nhân văn. Với mong muốn mang hình ảnh những bà mẹ Việt Nam can trường ra thế giới, tôi chọn hình ảnh áo dài làm nển tảng của câu chuyện. Tên nhân vật trong phim cũng mang hàm ý về tình mẹ con và việc giáo dục con. Loài chim Yến là loài chim biểu tượng cho tình yêu son sắt và tình mẫu tử thiêng liêng. Lý – tên đứa con vừa là cái tình cái lý khi nuôi dạy con, vừa là những điệu Lý mang nét mộc mạc của người Việt Nam. Dạy con, đặc biệt là với trẻ tự kỉ, có những lúc chẳng có lý do, chẳng có lý lẽ và cũng chẳng có lý trí. Trong phim Lý Áo Dài, những cảnh giữa Yến và cha mẹ rồi những cảnh Yến đấu tranh bảo vệ con cũng chính là thông điệp mang tính xã hội bởi tôi tin hầu như ai ai cũng nhìn thấy những tình huống tương tự ở đâu đó. Và nếu bạn đã xem phim này, xin khoan hãy vội phán xét hay buông lời mắng nhiếc, bởi lẽ, tất cả những đứa con được sinh ra đều là thiên thần của cha mẹ. Chỉ đơn giản là, mỗi thiên thần sẽ có nhiệm vụ khác nhau và thời gian trưởng thành khác nhau.”
Ngoài diễn viên chính, bộ phim còn có sự tham gia của Người Đẹp Cộng Đồng – Hoa Khôi Phụ Nữ Việt Nam Qua Ảnh 2017 – Nguyễn Thanh Trúc với hình tượng cô lớp trưởng trẻ trung, năng động, đa tài và tràn đầy nhiệt huyết, bên cạnh đó là diễn viên Hứa Mạnh Dũng (Shu) trong vai Lý khi đã trưởng thành là một chàng trai hơi cộc tính và mẫn cảm nhưng vô cùng yêu thương mẹ. Cũng trong bộ phim này, có sự tham gia của Hoa Hậu Nhân Ái – Phạm Thị Thu An và các diễn viên: Tommy Trần, Tiến Thành, nhà báo Nguyễn Kỳ Nam và một số diễn viên phụ khác.
Phim không dài, chỉ vỏn vẹn 35 phút nhưng được trau chuốt từng giây hình một đi cùng sự diễn xuất chân thật của dàn diễn viên đã giúp lý áo dài thực sự gây xúc động cho những ai đã có dịp xem qua. Bộ phim như một lời động viên cho các bậc phụ huynh có con mắc chứng bệnh tự kỉ về khả năng hồi phục và thậm chí “bình thường hơn cả những đứa trẻ bình thường khác” khi nhân vật Lý – đứa trẻ tự kỉ trong phim khi trưởng thành là một chàng trai biết yêu thương và chăm sóc mẹ mình, giúp mẹ vượt qua cú sốc tâm lý để khỏe mạnh trở lại. Những cảnh phim đan xen khiến người xem như nhìn thấy sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại của hai mẹ con Yến và Lý.