Khi cơn sốt tivi ba chiều (3D) dần tàn lụi, các hãng điện tử nhanh chóng tung ra một sản phẩm "bom tấn" mới: màn hình siêu nét 4K. Khái niệm này không phải là mới, nhưng hầu như mọi người vẫn có cái nhìn e dè về loại màn hình siêu nét này.Cuộc chạy đua 4K (Ultra HD) bắt đầu bùng nổ tại Triển lãm điện tử tiêu dùng Mỹ (CES) hồi tháng 1.2013. Tất cả các hãng điện tử hàng đầu thế giới từ Samsung, Sony, Panasonic, LG cho đến Sharp, Toshiba… đều giới thiệu các sản phẩm tivi có độ phân giải cao gấp bốn lần chuẩn độ nét cao Full HD (1080p). Và tất nhiên tivi 4K thể hiện hình ảnh tuyệt đẹp khi trình chiếu nội dung video chuẩn Ultra HD.
Quay ngược thời gian trở lại năm 2005, tại thời điểm đó, hệ thống chiếu phim kỹ thuật số Digital Cinema Initiative (DCI), được thành lập bởi Hollywood Studios, đã công bố thông số tiêu chuẩn của chất lượng hình ảnh cũng như sự an toàn mà các trang thiết bị tại các hệ thống rạp chiếu phim cần phải có. Theo đó, sẽ có 2 định dạng hình ảnh chính. Một là chuẩn 2K, vốn đã được sử dụng trong một thời gian dài trước đó. Chuẩn còn lại là 4K, được dùng cho các bộ phim chất lượng cao hơn.
Phải thừa nhận rằng, đến rạp luôn là cách tốt nhất để tận hưởng thế giới điện ảnh sống động. Tuy nhiên, sự ra mắt của các hệ thống giải trí tại gia như HDTV, Blu-ray hay như các thiết bị chơi game đã ít nhiều làm thay đổi thực tế đó. Phải nhớ sự hỗ trợ chuẩn 4K, các rạp chiếu phim mới có thể tạo được sự khác biệt rõ rệt so với hệ thống giải trí HD tại gia. Và Sony là nhà sản xuất camera đầu tiên trên thế giới cho ra mắt một hệ thống có thể đáp ứng được yêu cầu chuẩn 4K của DCI.
4K là gì?
Chuẩn 4K cho các máy chiếu ở rạp là 4096 x 2160 pixels, lớn gấp 4 lần so với độ phân giả của chuẩn 2K cũng như các hình ảnh chuẩn HD. Trong thế giới kĩ thuật số ngày nay, pixel (điểm ảnh) đóng vai trò cực kì quan trọng đối với chất lượng của một bức ảnh. Kích thước của điểm ảnh càng nhỏ và số lượng điểm ảnh càng lớn sẽ giúp cho bức hình trở nên chi tiết và thực tế hơn.
Một ưu thế nữa của độ phân giải cực lớn mà hệ thống 4K mang lại chính là kích thước của một điểm ảnh trên màn hình sẽ nhỏ đi rất nhiều, chỉ bằng 1/4 kích thước được hiển thị bởi các máy chiếu chuẩn HD và 2K tương đương.
Khi được sử dụng ở các rạp chiếu phim, hệ thống máy chiếu 4K sẽ giúp cho khán giả ở những hàng ghế đầu xem phim không bị vỡ hạt mặc dù phải ngồi gần màn hình hơn. Tất cả là nhờ độ phân giải cực lớn của hệ thống này.
Ai cần tới màn hình 4K
Tuy nhiên không dễ để các hãng điện tử sớm biến tivi 4K trở thành sản phẩm ăn khách. Bởi 4K phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật lớn. Báo Anh Economist đặt câu hỏi: "Ai cần đến tivi siêu nét Ultra HD?". Theo một khảo sát mới đây, khoảng cách trung bình giữa tivi và mắt người trong các gia đình ở Mỹ là 2,7m. Ở khoảng cách này, một chiếc tivi chuẩn Full HD thông thường cũng cần phải lớn tới 70 inch để người xem có thể thưởng thức hết độ nét cao mà nó đem lại.
Trong khoảng cách đó, với mắt người xem thì bất cứ màn hình nào nhỏ hơn cũng sẽ khiến các chi tiết của hình ảnh bị nhòe vào nhau. Với những người có thị lực 20/20 thì cũng cần phải ngồi cách màn hình xa nhất là 1,8m để phân biệt các chi tiết của hình ảnh. Nhưng ngồi càng gần tivi thì càng hại mắt. Do đó, cách duy nhất để các hãng điện tử thúc đẩy sự phổ biến của tivi 4K là mở rộng kích thước màn hình.
Quả là như vậy. Ở CES 2013, các đại gia như Samsung, Sony, Panasonic, LG… đều tung ra những sản phẩm tivi 4K lớn từ 85-110 inch. Tuy nhiên, giá của những chiếc tivi khổng lồ, áp dụng công nghệ mới là cực đắt. Ví dụ, Samsung thông báo chiếc tivi 4K 85 inch của hãng này có giá tới 37.877 USD (gần 800 triệu đồng). Sản phẩm tivi 4K 84 inch của Sony mới trình làng ở Việt Nam cũng có giá gần 820 triệu đồng. Không chỉ cần cái ví dày, ai muốn mua tivi 4K cũng cần một căn nhà đủ rộng.
Giả sử như bạn có đủ không gian và ngân sách để mua một chiếc tivi 4K 85 inch, khó khăn tiếp theo sẽ là đưa nội dung Ultra HD vào màn hình tivi siêu nét này. Hiện tại, ngay cả Hollywood cũng chỉ sản xuất vỏn vẹn vài phim quay bằng máy quay 4K. Có thể kể đến The amazing spider-man (Người nhện phi thường), Prometheus, The Hobbit (Người Hobbit)…
Ở định dạng thô, một bộ phim dài 2,5 giờ quay bằng máy quay 4K chứa khoảng 216.000 khung hình. Mỗi khung hình chứa 8,6 triệu pixel (điểm ảnh), mỗi pixel chứa 24 bit thông tin màu. Tổng cộng tập tin video này chứa tới 5,6 terabyte dữ liệu. Truyền tải tập tin video khổng lồ này qua vệ tinh hoặc cáp sẽ đòi hỏi lượng băng thông rộng cực lớn. Để làm thế, các hãng truyền hình sẽ phải đầu tư dữ dội vào cơ sở hạ tầng.
Tương tự, truyền tập tin video cỡ này qua Internet cũng vấp phải vấn đề băng thông rộng tương tự. Kết nối Internet cần đủ nhanh để chuyển dữ liệu ở tốc độ 1 gigabit/giây. Một lựa chọn khác là phân phối phim 4K qua đĩa Blu-ray. Tuy nhiên cách này cũng rất khó thực hiện sớm. Một phim HD thông thường ngốn toàn bộ 50 gigabyte trong hai lớp của đĩa Blu-ray. Một phim 4K sẽ đòi hỏi đĩa Blu-ray có bốn lớp.
Tạm kết
Do đó, không ít chuyên gia điện tử dự báo cơn sốt tivi 4K sẽ cũng chịu chung số phận như làn sóng tivi 3D. Tất nhiên khi công nghệ càng phát triển thì tivi 4K sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nhưng câu hỏi là khi nào. Báo Economist dự báo phải đến năm 2025 thì tivi 4K mới bắt đầu phổ biến ở Mỹ, thị trường công nghệ lớn nhất thế giới.
Có thể bạn quan tâm: