Bộ phim truyền hình mới nhất của đạo diễn lưu trọng ninh "Thương nhớ ở ai" trong thời gian gần đây đã gây được sự chú ý không hề nhỏ trong dư luận.
Nội dung phim khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, thủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.
Tuy nhiên, chủ đề tranh cãi lại xoay quanh trang phục áo yếm không mặc nội y của các diễn viên nữ thay vì bàn tán về nội dung của bộ phim.
Nhiều người cho rằng đó là cách ăn mặc đúng với phụ nữ Việt Nam ở thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Mặt khác, nhiều ý kiến lại cho rằng đó là cách ăn mặc phản cảm, không phù hợp để chiếu trên truyền hình với đối tượng khán giả đa dạng. NTK Sỹ Hoàng phân tích rằng, nội y của người phụ nữ Việt xưa được cấu trúc là một miếng vải hình vuông mỏng, một góc cột ở sau gáy, một góc cột ngang lưng.
Sau này người ta gọi là yếm. Cấu trúc của chiếc yếm nhằm giữ bầu ngực của người phụ nữ lại mỗi khi khoác áo khoác bên ngoài, đó cũng là một cách thể hiện sự kín đáo. Mãi đến thập niên 30, khi đó chiếc áo ngực của phương Tây mới du nhập vào Việt Nam.