Một kiếp người hai số phận
Bộ phim xoay quanh hai nhân vật chính là Linh Phụng (Isaac) và Dũng thiên lôi ( Liên Bỉnh Phát) , hai con người với hai mảnh đời khác nhau, hoàn cảnh khác nhau tưởng chừng như họ chẳng có điểm gì chung thế nhưng có một sợi dây vô hình đã gắn kết họ lại đó chính là cải lương, sợi dây ấy đã buộc chặt hai con người khác nhau về tính cách, suy nghĩ và hành động.
Linh Phụng vốn bén duyên và đam mê với cải lương từ nhỏ ,cậu bé được cha mẹ cho theo đoàn hát nhưng nghiệt ngã thay cái ngày mà cậu được vào vai kép chánh trên sân khấu cũng chính là ngày mà cha mẹ cậu qua đời khi đang trên đường đến xem con trai mình hát.
Dũng thiên lôi cũng không khá gì hơn, là một tên đòi nợ thuê, từ nhỏ cậu đã theo gánh hát cải lương thế nhưng do hoàn cảnh mà người mẹ đã bỏ cha con cậu và đi theo đoàn cải lương khác để có cuộc sống tốt hơn, từ khi cha mất cậu không nơi nương tựa và sa chân vào kiếp giang hồ.
Bức tranh Sài Gòn vào thập niên 80 đẹp đến nao lòng
Phim khắc họa những gam màu cũ kĩ nhưng đầy ma mị, chính “Song Lang” đã đưa chúng ta quay ngược thời gian trở về những năm 80, hay chính nhân vật Linh Phụng đã đặt câu hỏi cho Dũng thiên lôi rằng : “Anh có tin vào chuyện du hành vượt thời gian không?” Và thật sự ,bối cảnh của phim đã đưa khán giả vượt qua cả không gian và thời gian sống lại những thập niên 80. Quả thật , bộ phim đã lột tả một cách chân thực và sống động nhất nỗi thống khổ , đói nghèo đang bủa vây những mảnh đời cơ cực, bằng chứng là tên Dũng thiên lôi chuyên đi đòi nợ và xuất hiện ở đâu là khiến cho mọi người khiếp sợ , run rẩy van xin.
Cảnh mượn nợ, siết nợ xảy ra ở khắp mọi nơi, kiếp đời đói khổ, lầm than vì không có tiền trả nợ mà vợ con tự tử, gia đình ly tán. Thế nhưng ở đâu đó ta lại bắt gặp hình ảnh nhà thờ Đức Bà, đường phố Sài Gòn, mọi con hẻm, ngóc ngách, chung cư ẩm thấp, nghe đâu đó những bài bolero ủy mị vang lên trong đêm vắng, những tin tức được đọc trên đài phát thanh, hay băng cassette, những đồ vật chỉ có ở thập niên 80, tất cả đã cho ta nhìn thấy lại một Sài Gòn thật đẹp và hoài cổ, nhớ lại từng có một “Hòn ngọc Viễn Đông” vang danh một thời.
Chưa dừng lại ở đó, hẳn là những người 8X và 9X đời đầu sẽ nhớ lại tuổi thơ dữ dội khi xem những trò chơi điện tử, tạt lon, những bộ quần áo …. Mà đạo diễn đã khéo léo lồng ghép vào bộ phim để truyền tải đến khá giả những thước phim chân thật nhất.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Thời vàng son của cải lương được sống lại qua những thước phim
Với chủ đề về cải lương xuyên suốt bộ phim, có thể nói “ Song Lang” đã tái hiện một cách thành công thời kì hoàng kim của cải lương. Lối diễn xuất tự nhiên, không gượng ép kèm theo đó là những câu hát cải lương ngọt ngào và trong trẻo chắc hẳn đã chạm đến trái tim của biết bao nhiêu người. Gánh hát Thiên Lý vẫn sáng đèn, đồng thời trái tim người nghệ sĩ vẫn luôn cháy mãi với ánh đèn sân khấu để đem đến cho khán giả những vở diễn hay nhất. Dẫu cho cuộc đời họ có trải qua bao thăng trầm, khó khăn thì trên hết được đứng trên sân khấu , được biểu diễn thì đó là điều khao khát mong đợi của cả cuộc đời người nghệ sĩ.
Chắc hẳn rằng, trong lòng chúng ta sẽ có những khoảng lặng, những câu hỏi khắc khoải khôn nguôi rằng phải chăng bộ môn nghệ thuật cải lương đang dần bị “đánh rơi”, ta xót xa khi nhận ra sự thật bẽ bàng rằng trước cuộc sống hiện đại, hối hả có phải cải lương đang dần bị quên lãng. Thế nhưng, mặc cho dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, cải lương vẫn cứ ở đâu đó len lỏi trong nghệ thuật Việt Nam hiện nay, những chương trình truyền hình lồng ghép cải lương vào hài kịch, ca hát để có thể đẩy cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ và hơn thế nữa là nhắc nhở các thế hệ sau rằng dẫu có bao lâu đi chăng nữa thì cải lương vấn sống trong lòng người Việt và là một bộ môn nghệ thuật cần được bảo tồn. Nếu khán giả trẻ khi nghe đến cải lương liền phán rằng nhàm chán thì bạn đã sai lầm, hãy thử một lần xem vở Mỹ Châu – Trọng Thủy của “ Song Lang” để biết rằng thật ra cải lương cũng rất thú vị.
Nhìn chung, một điểm cộng cho khả năng diễn xuất của isaac và Liên Bỉnh Phát , có thể nói, đây thật sự là bước đột phá trong sự nghiệp diễn xuất của Isaac và anh đã chinh phục được mọi người kể cả những khán giả khó tính nhất cũng lịm đi bởi những câu hát cải lương mượt mà của chàng ca sĩ trẻ tuổi. Bên cạnh đó là những gương mặt gạo cội của sân khấu cải lương như nghệ sĩ Kim Phương, Minh Phượng, Tú Quyên, Kiều Trinh là điểm nhấn quan trọng của bộ phim. Đây là một bộ phim chỉn chu về mọi mặt từ bối cảnh, trang phục, kịch bản, góc quay, màu sắc, âm nhạc cho đến mạch phim nhẹ nhàng , đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc, có những chi tiết hài rất tinh tế và sâu sắc, quả là “chuyến du hành ngược thời gian” hoàn hảo.
Một tràng pháo tay dài cho đạo diễn Leon Lê và Ngô Thanh Vân vì đã đem đến một tuyệt tác điện ảnh về nghệ thuật mà hiếm ai có thể đảm đương nổi, bằng tình yêu cháy bỏng với cải lương của đạo diễn Leon Lê kết hợp cùng với ước muốn bảo tồn văn hóa cải lương trong thời hiện đại của Ngô Thanh Vân, có thể nói đây là sự kết hợp hoàn hảo nhất để có thể cho ra đời một tác phẩm điện ảnh chạm đến từng ngóc ngách cảm xúc của người xem ,gợi nhắc lại những kỉ niệm, sống trọn vẹn một lần nữa những năm tháng khó mà quên được ở những năm 80.
Tưởng chừng hoàn hảo thế nhưng đoạn kết phim lại khiến khán giả nuối tiếc, bồi hồi khôn nguôi
Phải chăng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, đoạn kết phim khiến khán giả tiếc hùi hụi cho “chuyện tình” của Linh Phụng và Dung thiên lôi. Đạo diễn không đẩy tình tiết “đam mỹ” lên cao trào là muốn giữ hồn cho bộ phim, hướng bộ phim đi đúng hướng hay phải chăng trong bối cảnh lúc bấy giờ người ta làm sao mà chấp nhận tình yêu giữa hai người đàn ông chứ.
Tiếc nuối đấy, hụt hẫng đấy thế nhưng chắc có lẽ đó là cái kết phù hợp nhất với bộ phim, nhắc lại câu nói của người thầy dạy cải lương cho Linh Phụng “có yêu , có mất mát thì không cần diễn cũng ra”, thế nhưng khán giả vẫn đau đáu thương cảm cho Phụng khi mối tình lửng lơ, lưng chừng như một tia sáng chỉ vụt qua rồi chợt tắt.