Lộng lẫy bức tranh thung lũng Prahova
Khi đến với Bucarest, thủ đô Rumani, hầu hết du khách đều sẽ được giới thiệu đi thăm công viên Herastrau, nơi có một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất châu Âu. Đó chính là bảo tàng Làng Quê (Village Museum) trưng bày gần 300 mô hình với tỷ lệ thực của hầu hết các kiến trúc truyền thống Rumani như nhà thờ, nhà gỗ, cối xay gió, các trang trại nông thôn qua nhiều thời kỳ… Mỗi vùng miền của đất nước này đều có những biểu tượng riêng rất độc đáo được trưng bày trong công viên. Chúng tôi nhanh chóng bị những kiến trúc cổ xinh đẹp và bí hiểm như lâu đài Dracula, cung điện thành phố Sinaia thuộc thung lũng Prahova của cao nguyên Transylvania thu hút. Thế là vài ngày sau, cả nhóm bắt đầu chuyến tham quan cao nguyên Transylvania ở vùng núi Carpat.
Thung lũng Prahova |
Carpat là dãy núi dài thứ hai ở châu Âu sau dãy Alps và được mệnh danh là Alpscủa vùng Đông Âu. Carpat bắt đầu từ cộng hòa Séc kéo dài đến Rumani, kết thúc ở vùng giáp đồng bằng sông Danube. Người Rumani coi dãy núi Carpat là cha, dòng sông Danubelà mẹ. Dãy núi này chia Rumani thành ba vùng địa lý – văn hóa đặc sắc: vùng Muntenia; vùng Moldova và vùng Transylvania.
Suối bên đường |
Cao nguyên Transylvania có quần thể những thành phố, thị trấn cổ của người Saxon cùng lâu đài gắn với truyền thuyết về bá tước Dracula đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong những thung lũng đẹp như tranh vẽ và những dốc núi hùng vĩ ở cao nguyên hình cánh cung này có nhiều khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, các khu du lịch mùa đông dành cho những người mê leo núi, trượt tuyết. Được biết đến nhiều nhất là thung lũng Prahova rộng lớn có cảnh quan thơ mộng cùng những thị trấn xinh đẹp, trù phú. Prahova có rất nhiều kiến trúc nổi tiếng như lâu đài vua Peles, lâu đài hoàng hậu ở thành phố Sinaia và cả lâu đài bá tước Dracula…
Bảo tàng Làng Quê |
Sau một bữa ăn sáng theo kiểu Rumani với sữa tươi, các loại hạt, bánh mì mới và hoa quả tươi, chúng tôi hăm hở lên đường. Bầu trời trĩu nặng mây đen, cảnh vật u ám, rồi một trận mưa rào ào tới. May mắn thay, khi xe đến gần thung lũng, mưa tạnh và mặt trời lại ló ra rạng rỡ. Cây lá ánh lên màu xanh ngọc, nắng vàng óng ả chảy tràn khắp nơi. Sau đoạn đường núi ngoằn ngoèo leo dốc, mọi người dừng lại trên đỉnh và ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng phía dưới. Nếu lúc nãy hai bên đường đều là rừng thông xanh thẫm với những ngọn tháp im lìm in lên nền trời thì giờ đây cả một bức tranh muôn màu trải ra trước mắt chúng tôi: Những thảm cỏ xanh non điểm xuyết màu đỏ, hồng cam của hoa dại, những đụn rơm vàng óng xen cùng những đụn cỏ nâu vàng lốm đốm trên dải cỏ.
Một nhà thờ trong vùng |
Phong cảnh đầy sức sống của vùng thung lũng Prahova đã và vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều họa sĩ. Trong không khí mát lạnh sau cơn mưa, mùi lá cây, mùi nắng mới trộn cùng mùi đất ngai ngái khiến mọi người trở nên sảng khoái, quên hết cảm giác nôn nao vì những đoạn đường cua gắt khi leo dốc. Trời mỗi lúc một nắng hơn. Khi xe đi qua những thị trấn nhỏ, cảnh vật hai bên đường trông lại càng sống động với những villa cổ kính, những ngôi nhà mái gỗ thẫm màu duyên dáng và người dân địa phương trong trang phục miền núi sặc sỡ tấp nập đi lại.
Bất ngờ lâu đài Dracula
Lâu đài Dracula nằm trên một ngọn núi ở thị trấn Bran nên còn được gọi là BranCastle. Sau khi tìm được chỗ đậu xe, nhóm chúng tôi háo hức leo núi. Một lát sau, thấp thoáng giữa những ngọn thông hình tháp, mái ngói đỏ và bức tường trắng kiểu Địa Trung Hải của lâu đài Bran đã hiện ra. Lâu đài Bran được xây dựng từ thế kỷ XIV với kiến trúc như một pháo đài nhằm chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Lâu đài này được cho là thuộc về hoàng tử Vlad Tepes, hay còn gọi là bá tước Dracula do ông ta đã từng ở đây một thời gian dài để phòng vệ quân Thổ. Đây cũng được cho là nơi Dracula đã giam giữ và tra tấn, hành hình các tù binh người Thổ. Để đến được lâu đài, mọi người phải leo men theo sườn núi. Đường đi rất đẹp nhưng khá âm u bởi có cả rừng cây um tùm phía trên đầu. Bức tường đá trắng của lâu đài mỗi lúc một hiện ra dần trước mắt. Lâu đài có tường cao đến 60m, vị thế rất hiểm trở do nằm cheo leo bên vách núi, nhìn ra ba phía còn lại đều là rừng rậm với những cây cổ thụ lâu đời.
Lâu đài Dracula trên đồi cao |
Để qua cửa chính của lâu đài, du khách phải xếp hàng dài bởi cầu thang lối vào rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người. Các phòng trong lâu đài nối với nhau bằng những hành lang hẹp, cũng chỉ đi được từng người một. Các bức tường đồ sộ bằng đá vẫn y nguyên như thời kỳ trị vì của Dracula. Ánh sáng tự nhiên trong các phòng rất yếu. Tôi đặc biệt có ấn tượng với những cánh cửa gỗ dày, nặng với nẹp cửa bằng gang cực kỳ chắc chắn, những hành lang hẹp và tối, các ban công chạy quanh một cái sân nhỏ giữa lâu đài. Khách du lịch ai nấy đều cúi xuống xem một cái giếng cổ, có từ khi xây dựng lâu đài với các chữ Latin bên miệng giếng. Đứng trên một hành lang có cửa sổ nhìn ra toàn cảnh thung lũng, ai nấy đều thán phục người xưa chọn vị trí hiểm trở để xây lâu đài này. Chỉ có một con đường độc đạo rất hẹp lại chênh vênh để lên đến lâu đài. Các ô cửa sổ đồng thời là lỗ châu mai được bố trí tinh vi, người ở phía dưới khó mà phát hiện ra được. Người ở trong lâu đài có thể quan sát một vùng rộng lớn dưới xa. Các phòng ốc cũng được thiết kế tối giản và thuận tiện cho một lâu đài – pháo đài
Một góc lâu đài Dracula |
Tuy vậy, đa số du khách đến đây đều bất ngờ vì ngoài một số phòng và hành lang tối, phần còn lại của lâu đài không hề rùng rợn như tưởng tượng. Ánh sáng tự nhiên chan hòa khắp các hành lang, ban công. Từ cửa số các phòng nhìn ra là những mảnh sân rực nắng và một màu xanh ngát phía dưới thung lũng. Đến thế kỷ XVIII, lâu đài này thuộc sở hữu của hoàng hậu Marie.
Lâu đài vua Peles |
Đam mê sưu tập đồ gỗ và sứ nên hoàng hậu đã biến lâu đài thành một viện bảo tàng những đồ gỗ và sứ cổ rất quý giá. Một phần của bộ sưu tập cũng là đồ dùng của hoàng gia vẫn còn được cất giữ tại đây và trưng bày cho khách tham quan. Giường gỗ, rèm cửa, các bức bình phong bằng gỗ, bằng sứ, bàn, ghế, tủ, các lọ gốm cỡ lớn cùng với những bộ sưu tập vũ khí hay các bộ nữ trang của hoàng hậu Marie vẫn được sắp xếp theo ý thích của bà và được bảo quản rất tốt. Những cầu thang hẹp mà tối trong lâu đài thật ra cũng không quá rùng rợn, mà chỉ khiến người ta có cảm nhận kiến trúc này đúng là một pháo đài chiến đấu. Các nhà vệ sinh thì đều rất đẹp, nội thất trang nhã và sang trọng. Khi đến khu bán hàng lưu niệm, nhìn thấy các mặt nạ rỉ máu, những bàn tay nguều ngoào và nhất là một chàng trai đi cà kheo mặc quần áo theo lối cổ, mặt bôi màu máu đọng ở mép, tay lăm lăm búa đi tìm nạn nhân, nhiều du khách mới sực nhớ rằng mình đang ở mảnh đất của huyền thoại ma cà rồng Dracula.
Khung cảnh nông thôn |