Kawah ljen là ngọn núi lửa nằm ở phía đông Java, Indonesia, cao 2.600 m, với hõm chảo rộng và hồ sâu 200 m chứa nhiều axít sunfuric. Hình thành từ khoảng 3.500 năm trước và hiện vẫn còn đang hoạt động, nơi đây chứa đầy lưu huỳnh nóng chảy.
Khu vực núi lửa Kawah ljen, nằm ở phía đông Java, Indonesia |
Sau khi phun lên từ những khe nứt có nhiệt độ tới 200 độ C, lưu huỳnh nguội đi và kết tinh thành những vỉa màu vàng đẹp mắt. Nhưng tuyệt nhất là lúc lưu huỳnh bốc cháy, sẽ xuất hiện những ngọn lửa màu xanh khiến cho cảnh tượng nơi đây hết sức kỳ ảo, nhất là vào ban đêm. Không ít khách du lịch và nhiếp ảnh gia đã mạo hiểm đến Kawah ljen để tham quan và sáng tác những bức ảnh đẹp mắt và kỳ lạ.
Khu vực này còn là nơi kiếm sống hàng ngày của khoảng 200 người thợ khai thác lưu huỳnh. Họ leo lên hơn 2.000 m mỗi ngày trước khi xuống hõm chảo, dùng búa đập những mảng lưu huỳnh kết tinh. Sau đó người thợ phải vận chuyển những giỏ lưu huỳnh màu vàng cứng có trọng lượng từ 70 đến 90 kg trên những con đường dốc, đá xung quanh sườn núi lửa 10 lần một ngày.
Màu xanh kỳ ảo khi lưu huỳnh bốc cháy. |
Không khí độc hại và khói có thể gây tử vong khi hít quá nhiều trong thời gian dài, nhưng vì mưu sinh, những người thợ vẫn phải khai thác để cung cấp cho các nhà máy sản xuất hóa chất. Mỗi ngày họ khai thác được chừng 14 tấn trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm mà chỉ được trang bị những trang thiết bị rất thô sơ, không an toàn. Một số đeo mặt nạ xiêu vẹo, còn phần lớn những người khác chỉ quấn khăn choàng hay áo sơ mi quanh mặt.
Mặc dù liều mạng sống của mình bằng cách khai thác trực tiếp lưu huỳnh độc hại từ bên trong ngọn núi lửa, nhưng những người đàn ông này chỉ được trả 3 bảng/ ngày (khoảng 100.000 đồng). Họ khó có thể sống qua tuổi 30 khi làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày tại đó, nơi chỉ cách hồ chứa đầy axít vài mét.
Họ leo lên hơn 2000 m mỗi ngày trước khi xuống hõm chảo rộng để làm việc kiếm sống. |
Khu vực này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng về mức độ độc hại mà nó còn khiến mọi người lo sợ bởi tai nạn bất ngờ vì núi lửa vẫn còn hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Dù công việc ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe, giảm tuổi thọ và nguy hiểm đến tính mạng nhưng những người thợ này vẫn chấp nhận làm vì nó giúp nuôi sống cả gia đình và bản thân trong thời gian vắng khách du lịch. Và các tay săn ảnh cũng vậy, đến và săn cho được những bức ảnh kỳ ảo trên "miệng tử thần" mới chịu ra về.
Thảo Nguyên (theo Boston.com)