Những truyền thuyết bản địa
Quần đảo Palawan nổi tiếng với thủ phủ Puerto Princesa, thành phố xanh, sạch nhất Philippines, có 2/3 diện tích được rừng bao phủ. Nơi đây có Vườn quốc gia sông ngầm puerto princesa nổi tiếng, nằm trong dãy núi St Paul về phía tây bắc của đảo.
Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa được UNESCO công nhận Di sản thế giới năm 1999, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh vật núi - biển quan trọng nhất của Philippines. Điều đặc biệt nhất của vườn là cảnh quan đá vôi ngoạn mục, hệ thống sông ngầm dài và hang ngầm rộng lớn. Dòng sông ngầm bắt nguồn từ núi St Paul, ở độ cao 100 m, chảy ngầm 8,2 km trước khi đổ ra biển.
Du khách lên thuyền nhỏ chuẩn bị tham quan hang. |
Người dân tại Palawan luôn thuyết phục du khách đến thăm sông ngầm bằng những câu chuyện gần gũi và đời thường, gắn chặt với tôn giáo chính của đảo quốc này. Chuyến đi một vòng trong đoạn hang dài hơn 2 km kéo dài 45 phút giống như cuộc trò chuyện với thượng đế. Bởi sự hình thành các vòm, cột, vách đá, nhũ và măng đá cùng màu sắc tự nhiên tạo nên rất nhiều hình ảnh tôn giáo trong kinh thánh, như Mẹ Maria, gương mặt chúa Jesus, gia đình thánh, các thiên thần, ba vị vua chào đón chúa hài đồng và cây nến. Vòm hang được ví như những mái vòm của các thánh đường với nhiều hốc hang cao 60m, rộng đến 120 m.
Những cây cột đá khổng lồ giống như những pháo đài của các nền văn minh cổ xưa. Những cột nấm lớn, hình thù các con vật như đại bàng, gà, ngựa, mèo, rắn... cho đến hoa chuối, ngọn núi, hoặc phụ nữ khoe những đường cong tuyệt mỹ đều được hướng dẫn viên đưa vào câu chuyện. Những giọt nước chảy xuống từ đỉnh cao nhất của vòm hang giống như những giọt nước thánh trong lành.
Có nhiều hốc, khoang nhỏ trong hang mà thuyền không thể tiến vào để du khách tham quan. Có những vách ngăn chạm mặt nước cản trở du khách. Nhưng những điều này lại lý tưởng đối với các nhà nhà khoa học, nghiên cứu và nhà thám hiểm về giá trị của quần thể đối với kiến tạo trái đất.
Khách phải dùng đèn pin để ngắm nhìn những cảnh vật trong hang. |
Dấu ấn lịch sử trái đất
Trước năm 2010, tầm giá trị độc đáo của hệ thống sông và hang ngầm chưa hề được nhắc tới. Nhưng trong hành trình khám phá hàng loạt điều kỳ diệu của trái đất, nhóm các nhà khoa học người Italy La Venta đã tìm được những thông tin vô giá về sông ngầm và hang động đá vôi đã tồn tại hàng triệu năm nay trên trái đất này. Họ đã đưa ra 6 lý do thuyết phục sự độc đáo của dòng sông ngầm.
Thứ nhất, đây là dòng sông ngầm hiếm hoi có dòng chảy trực tiếp ra biển. Thủy triều ảnh hưởng đến mực nước ngầm với hơn 5 km, nguồn nước lợ nằm ở phần dưới của sông do sự pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn.
Thứ hai, dòng sông có hệ thống núi đá vôi, hang động phức tạp. Hàng triệu chim yến và dơi sống trong hang cùng với sinh vật biển theo thủy triều vào hang tạo nên cuộc sống nhiệt đới hang ngầm phong phú. Hệ thống sinh vật, ít khi sống tại những hang động sâu, được tìm thấy trong hang cho thấy sự đa dạng sinh học tại đây.
Thứ ba, hang ngầm chứa nguồn năng lượng lớn nhờ vị trí địa lý tại đường xích đạo ấm cộng khí hậu siêu hải dương, khiến môi trường trong hang ấm áp. Uớc tính dòng khí lưu thông phù hợp cho 150.000 lượt người ra vào hang mỗi ngày.
Đây là dòng sông ngầm dài nhất trực tiếp chảy ra biển. |
Thứ tư, hang động chứa những đặc trưng về sự hình thành hang động độc đáo về thẩm mỹ và khoa học. Hệ đá vôi của hang động bên trên sông ngầm là một ngoại lệ trên thế giới. Khoáng vật tự nhiên Robertsite mới được tìm thấy, hứa hẹn về việc tìm ra những khoáng sản mới thuộc về hang động.
Thứ năm, dòng sông sở hữu những hình thái vĩ mô, vi mô đặc biệt của vùng đá vôi và sự hình thành hang động, giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về sự thay đổi của trái đất.
Thứ sáu, hóa thạch động vật biển có vú Sorenia (nay gọi là bò biển), được tìm thấy trong hang có tình trạng tốt. Hóa thạch 20 triệu năm tuổi này trồi ngay trên vách hang, do sự xói mòn của đá vôi trong hang động.
Những thông tin trên không chỉ thu hút khách du lịch từ nhiều nước nhưng còn là một mỏ vàng quý giá cho những nhà nghiên cứu về địa chất trên thế giới tìm đến khám phá.
Bài và ảnh: Kim Dung