Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, tại Nha Trang - Khánh Hòa, khách Nga chiếm khoảng 1/3 tỷ lệ khách quốc tế đến đây.
Tính riêng năm 2014, trong số 856.000 lượt khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa, khách Nga đạt 245.000 lượt, dẫn đầu khách quốc tế đến Khánh Hòa.
Tuy nhiên, do đồng Rúp mất giá kéo theo giá tour trở nên đắt đỏ, sức mua kém. Kể từ cuối tháng 11 đến nay lượng du khách Nga sụt giảm trên 50%.
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết, tình trạng tiếp diễn, sự sụt giảm số lượng khách Nga đến Khánh Hòa sẽ lên mức 70-80% vào đầu năm 2015.
Theo đó, ông Thành cho biết, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Khánh Hòa, Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, các doanh nghiệp outbound như Công ty Du lịch Ánh Dương và Pegas Touristik của Nga và đại diện khoảng 70-80 chủ khách sạn, cung ứng dịch vụ đã có cuộc họp nêu ra những khó khăn và phương án giải quyết.
"Bên mua sản phẩm đã thua lỗ, giảm 50% nên bên cung ứng sản phẩm cũng phải điều chỉnh để 2 bên cùng có lợi. Song mức giảm sẽ khác nhau tùy từng đơn vị cung ứng cân nhắc điều kiện, lợi thế của doanh nghiệp", ông Thành thông tin.
Ông Thành dẫn chứng, có khách sạn 3 sao trở xuống tại Nha Trang đã giảm giá 15-20%, khách sạn 3-5 sao giảm giá 30%. Việc kinh doanh mua bán tuân thủ thị trường nhưng cũng tuân thủ các yếu tố mà nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra dựa trên mức độ đầu tư, mức độ hòa vốn, phương án kinh doanh...
Đặc biệt, ông Thành lưu ý, mặc dù ở thời điểm này việc giảm giá có thể khiến doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lỗ hoặc hòa vốn nhưng cũng xem đây là khuyến mại đối với một thị trường đã mang đến doanh thu lớn trong thời gian vừa qua.
Đa dạng hóa thị trường
Mặc dù thừa nhận đóng góp của du khách Nga đối với du lịch Khánh Hòa rất lớn song ông Nguyễn Văn Thành cũng cho biết, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa luôn tăng trưởng trên 20%, các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng dịch vụ cũng tăng do đó giải pháp căn cơ nằm ở việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế.
Ông Thành dẫn chứng nhu cầu du lịch của du khách trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... cũng rất cao. Bên cạnh việc quảng bá, Việt Nam có thể kết hợp với Chính phủ các nước, đơn vị điều hành và quản lý du lịch để nối tour du lịch từ các nước ASEAN sang Việt Nam với mức giá thích hợp.
Các nước và các vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc)... cũng có thể khai thác bổ sung trong thời điểm thị trường khó khăn. Năm 2014 du khách từ Hàn Quốc đến sân bay Cam Ranh đã đạt mức 60.000-70.000 lượt.
Ngoài ra, các thị trường truyền thống trước kia tại châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada... cũng được tính đến với các phương pháp như quảng cáo, giới thiệu thông qua các hội chợ, các trang web...
Với thị trường Nga, ông Thành khuyến nghị các doanh nghiệp khai thác thị trường này nên tìm đến những phân khúc khách hàng chưa ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế từ Nga để giữ mức sụt giảm không quá mạnh như thời gian vừa qua.
"Tin chắc những năm tới chúng ta sẽ có thị trường mới và trở lại thị trường truyền thống giải quyết khó khăn năm 2015", ông Thành tin tưởng.
Hiện, ý kiến từ một số công ty khai thác thị trường khách du lịch từ Nga đến Việt Nam cho biết, giá tour đã giảm đến mức thấp nhất có thể với những doanh nghiệp có quy mô lớn, với doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn khó duy trì thị trường nếu lượng khách vẫn tiếp tục giảm.
Theo Nguyễn Thảo/ BizLive