Lê Ôn Xuân, 18 tuổi, là một nhân viên khách sạn, đã đến “Vườn tưởng niệm Giải phóng quân” ở khu vực núi Chiến Thắng thuộc Diên An, Tây Bắc TQ để tham quan. Tại đây, du khách trẻ tuổi này đã leo lên một bức tượng và chụp hình.
Theo Tổng cục Du lịch TQ, bức ảnh đã nhận được không ít gạch đá từ dư luận sau khi nó lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Diên An vốn là một khu căn cứ cách mạng cũ, được xem là nơi Quân giải phóng của Đảng trú ẩn sau trận chiến nổi tiếng năm 1934-1935. Chính vì thế, mức độ chỉ trích của dư luận càng nặng nề hơn với Lê.
Trên trang web của Tổng cục Du lịch, Lê đã bị liệt vào “Danh sách quốc gia về du khách có hành vi thiếu văn hóa”, và du khách TQ vào danh sách đen này sẽ bị bêu tên đến 10 năm.
Trong khi đó, khu vực núi Chiến Thắng cũng sẽ không được xem xét thành Khu du lịch cấp độ A của TQ trong 2 năm tới vì quản lý lỏng lẻo.
Được biết, Lê đã tự nguyện đến Sở du lịch địa phương để xin lỗi sau khi làn sóng ném đá của dư luận bắt đầu lan ra. Theo một trang tin tức ở Thượng Hải, Lê đã viết một bức thư xin lỗi “toàn thể người dân cả nước”.
Chính phủ TQ gần đây đã cam kết thực hiện chiến dịch nêu danh tính của những du khách có hành xử thiếu văn minh trong nước và ở nước ngoài, nhằm cải thiện trật tự tại các điểm du lịch nội địa, đồng thời giảm thiệt hại về hình ảnh của TQ trong mắt bạn bè quốc tế sau một loạt các sự cố.
Nhiều trường hợp du khách TQ có hành xử tệ trên máy bay, hồi năm 2013, một du khách trẻ người TQ đã cố tình khắc tên mình lên một ngôi chùa cổ 3.500 tuổi ở Luxor, Ai Cập. Truyền thông TQ tuần này cũng đã đưa tin một du khách khắc tên mình lên tường một ngôi chùa ở Thành Đô.
Tuy nhiên, một người khác cùng tên lại bị dư luận chỉ trích vì nhầm lẫn.
Những người bị liệt vào danh sách đen của ngành du lịch, thường từ 1 đến 2 năm, sẽ nhận những “ảnh hưởng tiêu cực” trong các thủ tục giấy tờ thường nhật.
Chẳng hạn như người đó sẽ khó có được tín dụng ngân hàng, gặp nhiều trở ngại khi xin thị thực ra nước ngoài, các thủ tục ngân hàng, cảnh sát và các cơ quan khác cũng khó khăn hơn.
Tuy nhiên những du khách này có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với hình phạt dành cho họ.
Theo quy định mới, du khách có thể bị phạt vì “thiếu tôn trọng phong tục tập quán địa phương, làm tổn hại đến môi trường, các công trình và những di sản lịch sử, làm gián đoạn giao thông công cộng, tham gia đánh bạc và các hoạt động khiêu dâm”.
Luật mới cũng cho phép hướng dẫn viên “giám sát và báo cáo hành xử xấu của khách du lịch”.
Tuy nhiên, một cái tên mới được liệt vào danh sách đen của ngành du lịch vì hành xử tệ trong đợt lễ Quốc tế lao động tuần trước lại là một nữ hướng dẫn viên.
Trần Xuân Yến là hướng dẫn viên du lịch ở Tây Nam tỉnh Vân Nam. Xuân Yến nhận nhiều chỉ trích từ dư luận sau khi chửi đoàn khách du lịch là “đồ keo kiệt, bủn xỉn” vì những người khách này không trả đủ tiền ở quầy quà lưu niệm và các điểm tham quan họ ghé qua. Nhóm khách đã lợi dụng một thỏa thuận để mua tour trọn gói đến 4 thành phố.
Những tour giá rẻ như thế ở TQ thường đi kèm với việc du khách buộc phải mua quà lưu niệm ở các quầy mà hướng dẫn viên hay công ty du lịch chỉ định. Theo luật thì hành vi này là trái phép. Chính vì vậy, công ty mà Xuân Yến đang làm việc bị phạt và phải đình chỉ hoạt động.
Khánh Nguyên (Theo IB Times, Telegraph) Có thể bạn quan tâm: