Lên đường
Nằm trên dãy Đôc Tôn, thuộc Sóc Sơn, núi Hàm Lợn, cách Hà Nội 40km về hướng cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài bạn có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc xe đạp. Mất khoảng một tiếng đi xe máy và ba tiếng đạp xe để đến núi Hàm Lợn. Con đường dẫn đến hồ Suối Bàu dưới chân núi lọt thỏm giữa rừng keo và rừng thông bạt ngàn xanh mướt. Đến đây, bạn nên hỏi người dân địa phương để được hướng dẫn chỗ cắm trại an toàn. Hồ Suối Bàu tuyệt đẹp, hoang sơ nhưng khá sâu nên cần cẩn thận.
Tiệc nướng bên bờ hồ
Chinh phục “nóc nhà Thủ đô”
Sáng sớm, bạn có thể thấy sương mù phả ra từ mặt hồ Suối Bàu tạo nên một khung cảnh mờ ảo. Mặt trời như một chấm đỏ, từ từ nhô lên khỏi dãy núi. Bạn nên dậy sớm để hít hà không khí trong lành của buổi sớm mai và khởi động trước lúc lên đường leo núi. Để lên đỉnh Hàm Lợn có hai đường, một là men theo đường suối, hai là đi theo lối mòn.
Theo đường suối để lên đỉnh núi
Đường suối lại chia làm 2 nhánh, một nhánh rẽ trái dễ đi dẫn thẳng lên khu đất trống mênh mông để cắm trại. Một nhánh khác rẽ phải hầu như không có người đặt chân đến, còn nguyên vẹn nét hoang sơ, phù hợp với những người yêu thích khám phá, mạo hiểm. Hai bên suối phủ đầy cây bụi, cành gai, nếu không có dao hay rựa mở đường thì vượt qua cung đường tưởng chừng rất ngắn này là điều không thể.
Bạn sẽ phải trang bị găng tay, giày leo núi, chấp nhận bị ướt và nhiều khó khăn khác. Bù lại, theo lối này bạn có thể thưởng thức bản giao hưởng nhạc rừng của những chú chim ẩn trong các lùm cây bên suối.
Chinh phục đỉnh Hàm Lợn theo lối mòn
Trên đỉnh núi
Sau chặng đường leo núi gian lao và gần như đuối sức, bạn đã lên đến đỉnh núi trong niềm hạnh phúc của người chiến thắng.Đứng ở độ cao 462m bạn có thể nhìn thấy toàn bộ Sóc Sơn ngay dưới chân núi. Những ngôi nhà nhỏ xíu nằm trên những ruộng lúa đang chín vàng, rừng cây thông và keo xanh rì. Bạn sẽ thích mắc võng hoặc đơn giản chỉ là trải bạt trên mặt đất nằm nghỉ buổi trưa, ngắm mây trời đang trôi qua những tán lá thông. Nếu có nhiều thời gian, cắm trại trên đỉnh núi để ngắm hoàng hôn, đón bình minh và một đêm trăng sao lung linh là một trải nghiệm không gì tuyệt hơn nữa. Những khuôn hình đầy lãng mạn cùng những trải nghiệm dịu dàng sẽ khiến bạn muốn quay trở lại đây thêm không chỉ một lần nữa.
Kinh nghiệm đi leo núi và cắm trại:
Theo dõi thời tiết thường xuyên ,nếu có những dự báo bất thường như mưa, bão, sạt lở, nên dừng chuyến đi và sắp xếp vào thời điểm khác phù hợp hơn.
Lều, túi ngủ: Nên chọn lều chữ A hoặc dáng ô vì đơn giản, dễ tháo lắp. Túi ngủ cần chọn chất liệu làm bằng sợi tổng hợp hoặc lông vũ sẽ nhẹ, dễ mang theo và không gây dị ứng cho da nhạy cảm.
Trang phục: Quần áo nên thoải mái, nhiều lớp để điều hòa thân nhiệt, áo gió sẽ chống côn trùng và tránh vướng cây cối. Nên chọn giày vải mềm, êm chân, có khả năng thấm mồ hôi, đế có nhiều gai, mút, để đi bộ đường rừng núi dễ dàng
Thực phẩm: Sử dụng đồ hộp dễ bảo quản như bánh mì, xúc xích, thịt hộp, mì tôm, pho mát, sôcôla, bánh kẹo, nước đóng chai. Và dụng cụ nấu nướng như bếp du lịch, bật lửa, nồi, chảo, bát, đũa, thịt tươi đã qua sơ chế tẩm ướp, thùng đá lạnh.
Đồ dùng cần thiết: Ngoài đồ dùng cá nhân như bàn chải,kem đánh răng, khăn mặt… ra bạn cần có: tấm trải, áo mưa, võng, ghế gập, dao, đèn pin, bật lửa, cốc nhựa, búa để đóng cọc cột dây lều, cần câu cá…
Thuốc men: Một bộ đồ sơ cứu cơ bản với đầy đủ các loại thuốc cảm, chống đau bụng, đi ngoài, bông băng, thuốc hạ sốt, thuốc sát trùng, dầu gió, thuốc muỗi… là rất cần thiết khi đi dã ngoại.
Tạ Thúy