Đàn ngựa vằn nhởn nhơ ăn cỏ - Ảnh: C.M.H |
Khám phá thế giới hoang dã trên khinh khí cầu
Sau một ngày ngồi trên xe đặc chủng để xuyên rừng và thảo nguyên đi vào những bộ lạc của người Maaisa ở Narok - Masai Mara, cách thủ đô Nairobi 240 km về phía nam, chúng tôi bắt đầu bước vào cuộc khám phá thế giới hoang dã của một trong những khu bảo tồn động vật lớn của châu Phi bằng 2 phương tiện: khinh khí cầu và xuyên rừng bằng xe cam nhông.
Có thể nói chưa bao giờ chúng tôi được tận mắt chứng kiến một buổi bình minh trên thảo nguyên đẹp đến vậy. 4 giờ 30 rời nhà nghỉ, 5 giờ 30 đến điểm tập trung. Và đúng 6 giờ, những luồng lửa phừng phực của khinh khí cầu đưa chúng tôi lên độ cao 300 m để phóng tầm mắt nhìn mặt trời đang chói đỏ từ đằng đông trên thảo nguyên mênh mông.
Khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara rộng 1.672 km2 dường như nhỏ lại trong tầm nhìn của chúng tôi. Hàng đàn linh dương, ngựa vằn, hươu cao cổ đang bắt đầu bước vào một ngày mới khi đua nhau về hướng có nhiều cỏ xanh nhất. Cạnh bờ suối, 2 con heo rừng đang cố gắng kéo xác một con linh dương mà trước đó có thể đã bị sư tử tấn công rồi nó cố gắng chạy thoát và gục ngã tại đây.
Trên thảo nguyên, phía sau sự bình yên tưởng như rất thanh bình ấy luôn ẩn chứa những điều nguy hiểm nhất. “Ở khu bảo tồn này có tất cả những loài động vật hoang dã của châu Phi và 5 con vật điển hình (Big five) của Kenya và Tanzania là voi, báo, sư tử, tê giác, trâu rừng nhưng mùa này nhiều nhất là sư tử.
Các loại động vật khác đã di chuyển về sát biên giới hoặc sang khu bảo tồn thiên nhiên của Tanzania, rồi khoảng tháng 7 đến tháng 9 mới quay về đây khi đồng cỏ xanh hơn. Mùa này là mùa rất nguy hiểm cho linh dương và ngựa vằn vì sư tử, báo đốm rất nhiều và háu ăn do nắng nóng”, người lái khinh khí cầu cho biết.
Ngựa vằn là món “khoái khẩu” của sư tử
Đó là điều chúng tôi được kiểm chứng khi buổi trưa vượt khoảng 30 km đi sâu vào khu bảo tồn, nơi mà tài xế Wilson quá quen thuộc khi anh tin là sẽ có hàng đàn sư tử đang chờ ở đó. Xa xa trên thảo nguyên là những bụi cây thấp, nhiều gai như đặc trưng của vùng đất châu Phi này.
Những con sư tử nằm lim dim, vài “ông” đang hau háu nhìn về phía đàn ngựa vằn và linh dương trong khi chúng không hề hay biết số phận mình có thể bị “định đoạt” trong tích tắc. Có đàn sư tử đông đến 9 con, chia 2 “phe” nằm rất phè phởn.
Wilson vừa định quay đầu xe thì bất ngờ một con sư tử “tỉnh bơ” đi từ từ ra chiếc xe của chúng tôi. Wilson tắt máy xe và “suỵt” để mọi người nín thở im lặng. Chúa sơn lâm hình như chưa biết hơi người, nên cứ đi từ từ qua đầu xe và thẳng tiến vào bụi cây bên kia đường. Wilson cho biết: “Sư tử rất háu ăn, mỗi ngày chúng có thể một mình “xơi tái” cả con ngựa vằn, nhất là sư tử cái vừa sinh con.
Còn báo đốm lại thích tấn công linh dương vì khỏi phải tìm kiếm, rình rập. Trên thảo nguyên này linh dương như… châu chấu, có khắp mọi nơi”. Anh vừa nói, vừa chỉ tay vào những đống xương trắng và đầu lâu nằm khắp nơi trên thảo nguyên. “Xương và đầu của các con thú bị ăn thịt đó”, Wilson cho biết. Thi thoảng, chúng tôi còn bắt gặp cả đầu lâu cùng những cái xương to đùng của voi và trâu rừng. Không biết chúng bị tai nạn chết hay cũng bị sư tử tấn công như những chú ngựa vằn kia?
Chưa kịp lắng lại để nghĩ ngợi về những con ngựa vằn dễ thương, những con linh dương vô tư chạy nhảy vì sao phải làm mồi mỗi ngày cho bầy sư tử, báo đốm thì Wilson đã ra hiệu nhìn về phía bên trái. Một báo đốm đang nhai đùi một con linh dương, miệng của con báo đỏ lờm máu me. Con thú dữ không hề biết có người, lâu lâu nó ngừng cắn xé như vội tận hưởng mùi thịt tươi mặc cho con linh dương mở to đôi mắt đầy đau đớn. 5 phút sau, chúng tôi kịp quay xong đoạn clip thì cũng là lúc con linh dương đã không còn động đậy.