Trên đường đi, chúng tôi vài lần gặp các nhà sư khất thực cầm bình bác đứng trên đường. Hỏi ra thì được biết, các nhà sư trên tu ở những ngôi chùa nhỏ dưới chân núi Kulen, ban ngày họ tranh thủ ra đường lớn để khất thực, quyên góp ít tiền từ khách hành hương để tu sửa chùa. Và rất nhiều người đã dừng lại cúng dường, bởi với họ góp tiền xây chùa ở ngọn núi thiêng này đồng nghĩa với việc tưởng nhớ tổ tiên.
Để lên tới đỉnh núi, xe chúng tôi phải xuyên qua một con đường nhỏ giữa rừng. Người hướng dẫn cho biết cách đây trên chục năm, con đường này vẫn còn là đất đỏ và đầy rẫy bom mìn. Bởi trước đó nó là căn cứ của một nhóm lính Kh’mer đỏ bại trận. Sau khi truy quét xong mớ tàn quân này, quân đội Hoàng gia Campuchia được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc đã rà phá bom mìn và rải nhựa cho con đường. Tuy nhiên, nhiều vị trí trong khu vực này vẫn chưa thực sự an toàn và đó là lý do trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi chạm mặt vài chốt gác của quân đội làm nhiệm vụ cảnh báo người hành hương.
Chúng tôi đến đúng vào ngày nghỉ nên có khá đông du khách đổ về đây. Với người người dân Campuchia, đến núi Kulen, được đắm mình trong dòng suối mát rượi linga không chỉ thư giãn mà còn là để chữa bệnh. Họ tin rằng, nước từ con suối này sẽ giúp con người ta khỏe mạnh hơn, trẻ con sẽ mau lớn và ít bệnh tật.Nằm phía cuối con suối là một thác nước ba tầng cao khoảng 30 mét trông khá đẹp.
Theo các tài liệu còn lưu lại, Kulen có tất cả 37 ngôi đền, chùa cổ có tuổi đời hàng ngàn năm, nhưng đặc biệt nhất vẫn là chùa Paang Thom, nơi có bức tượng Phật được tạc thẳng vào núi đá với chiều dài 9,7m, cao 3,3m.
Tương truyền để xây dựng kỳ quan Angkor, người Khmer đã được sự giúp sức của các vị thần và nơi này còn lưu giữ dấu chân phải dài 2 m, sâu 0,4 m mà theo truyền thuyết là dấu chân đầu tiên của thần và dấu chân trái nằm trên đỉnh núi Ba Kheng nằm trong khung viên Ang Kor.
Cũng giống như hầu hết các dân tộc Á Đông, người Campuchia cũng có thói quen thần thánh hóa một vài hình thù của đá núi. Và hòn đá có hình voi mà chúng tôi có dịp chạm tay vào. Theo khẩu truyền của người dân, tảng đá hình con voi này chính là một người đàn ông bệnh hủi. Chỉ vì không tin vào tài năng chữa bệnh của vị sư già mà phải hóa thành đá. Là một câu chuyện hoang đường, song qua đó cho thấy rằng, từ xa xưa người dân Campuchia đã đánh giá rất cao vai trò của những nhà sư trong đời sống. Những ai không tin vào Phật sẽ bị thiên nhiên, đất trời trừng phạt và người bị hóa thành tảng đá này chính là một minh chứng.
Nằm phía trên cùng của đỉnh Kulen là một giếng nước nằm lọt thỏm trong một mõm đá lộ thiên. Người hướng dẫn cho biết, giếng nước này rất thiêng và không bao giờ bị cạn mặt cho trời có hạn hán đến mức nào đi nữa. Tắm rửa bằng nước ở giếng này sẽ giúp con người ta trở nên khỏe mạnh và cường tráng hơn. Thực hư tác dụng của nước như thế nào chưa rõ, song sau nhiều giờ leo núi, những giọt nước mát rượi đã làm chúng tôi thực sự thoải mái…
Mặt trời chạm đỉnh ngôi chùa thiêng trên núi, chúng tôi chia tay núi Kulen, trên đường đi chúng tôi bắt gặp một vài người phụ nữ mang chuối ra đường bán. Nhìn dáng người và cách ăn mặc, biết ngay là họ có cuộc sống khá khó khăn. Tuy nhiên, trên gương mặt ai cũng nở một nụ cười lạc quan và rạng rỡ. Tôi chợt nhớ đến 54 gương mặt Phật cười tươi ở đền Bayon huyền thoại và phải chăng, chính nụ cười này đã truyền cảm hứng cho lối sống lạc quan của một dân tộc phải chịu nhiều đau khổ bởi chiến tranh.
Với tôi, nụ cười lạc quan ấy chính là món quà mà người dân Campuchia đã dành cho mình trong những ngày rong ruỗi trên đất nước này.
Tạm biệt Ang Kor!
Nguyễn Minh (Ảnh: N.M, Internet)