Ngủ lều
Tôi ngủ trong chiếc lều dựng tạm bằng bạt cùng các porter dẫn đường thay vì bỏ ra 50.000 đồng để được ngủ trong căn nhà gạch đang xây dở như những nhóm khác.
Ở độ cao 2800m, giữa đại ngàn rừng núi, giữa gió lạnh và cơn mưa rừng, gần chục porter người Mông vừa đặt lưng xuống đã thi nhau cất tiếng ngáy vang sau một ngày làm việc mệt mỏi. Mưa như trút nước, xối xả dội lên mái lều. Gió rít từng cơn, thân lều quằn quại. Bên ngoài lũ chuột rừng mỏ nhọn thỉnh thoảng lại chọc phá, nhảy vào tấm bạt lều. Khoảng 4 giờ sáng, nhóm đầu tiên đã lầm lũi xuất phát lên đỉnh dưới cơn mưa tầm tã. Đâu đó vang vọng lời quốc ca ngân nga trong sớm sương. Đó là cách chúng tôi chào bình mình Hoàng Liên. Những câu hỏi theo suốt hành trình chinh phục Fansipan Chiếc lều do anh Di dựng cho tôi để ngủ lại qua đêm Cách đi đường Job - anh chàng người Hà Lan và cô nàng Andrea người Séc là 2 bạn ngoại quốc đồng hành cùng tôi trong chuyến đi bên cạnh anh Di - porter dẫn đường người Mông. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau và cũng là lần đầu tiên mỗi người chinh phục đỉnh Phansipan. Điều tôi học được từ 2 người bạn hoàn toàn xa lạ này trong suốt hành trình lên tới nóc nhà Đông Dương là cách họ đi đường và thưởng thức chuyến đi. Andrea là cô gái duy nhất trong nhóm nhưng mạnh mẽ, luôn muốn là người đi cuối cùng trong số 4 người. Đơn giản, cô muốn khi cô dừng lại bất chợt đâu đó để thưởng thức khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Hoàng Liên Sơn này, cô sẽ không làm ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của 3 người đàn ông còn lại đang đi phía trước. Còn Job, với câu nói quen thuộc từ cửa miệng mà tôi đếm được trên suốt cuộc hành trình chắc không dưới chục lần: "enjoy the view" để nhắc chúng tôi dừng lại chiêm ngưỡng, phóng tầm mắt về hướng anh đang nhìn mỗi khi anh bắt gặp trước mặt vẻ đẹp của đại ngàn Tổ quốc tôi.
Những câu hỏi theo suốt hành trình chinh phục Fansipan Andrea cầm trên tay lá cờ Việt Nam cô mượn được, trong cơn mưa lạnh buốt, cô cười thật tươi. Những câu hỏi theo suốt hành trình chinh phục Fansipan Job, Andrea và anh Di. Sẽ không có câu chuyện tôi kể ngày hôm nay khi tôi không bắt gặp và có sự so sánh với cách đi đường của các bạn trẻ Việt Nam tôi gặp cũng trong những ngày leo Phan đấy. Họ di chuyển rất nhanh, tôi khâm phục họ. Nhưng khi họ hùng hục đi, thậm chí chạy để cố vượt qua những nhóm khác và chỉ chăm chăm tới đích rồi quay về chỉ để chứng tỏ một điều gì đó với những người xung quanh thì tôi nghĩ họ đã nhầm. Từ Trạm Tôn tới nóc nhà Đông Dương, đó là hành trình thử thách sức chịu đựng và vượt qua khó khăn của chính chúng ta nhưng trên hết nó thuần tuý cũng chỉ là một trải nghiệm, một chuyến đi du lịch mà bạn nên tận hưởng từng bước chân chạm lên mặt đất và nhìn ngắm những gì đang diễn ra xung quanh.
Bạn đã bao nhiêu lần dừng lại, vốc vào miệng ngụm nước suối mát lạnh hay ngửa mặt hứng lấy dòng nước đang chảy xuống theo các khe đá từ phía thượng nguồn để xoá tan sự mệt mỏi ? Và đã khi nào bạn hỏi người dẫn đường điều khủng khiếp gì đã xảy ra để đến ngày hôm nay những cánh rừng già chỉ còn trơ chọi những thân cây cao lớn, trụi lá và đen sì ? Và tôi dám chắc khi hỏi lại một số người đã thực hiện hành trình chinh phục đỉnh Phansipan ngày hôm đấy, không ít người không thể trả lời được câu hỏi: loài cây nào mọc nhiều nhất trên đường đi trong suốt hành trình của bạn? “Tất cả đều do con người” Khi đạt đến độ cao khoảng từ 2500m trở lên, những ai đã từng chinh phục đỉnh Phansipan cũng sẽ thấy rõ hơn, đập vào mắt mình là khoảng không xa xăm, xanh um của bạt ngàn cỏ dại. Những dãy núi đen thui, đỉnh núi thấp thoáng chìm vào vài tảng mây mờ đục cuối tầm mắt. Nhưng ngập ngụa giữa khung cảnh chính lại là hàng loạt thung lũng ngổn ngang với những thân cây cao lớn, trụi lá, đen sì, chỏng trơ giữa đất trời. Đấy là hậu quả của những trận cháy rừng khủng khiếp, anh Di - người dẫn đường giải thích về những thứ trơ trọi mà chúng tôi đang chứng kiến tận mắt. Khi tôi, Andrea và Job hỏi về nguyên nhân của những vụ cháy rừng, người đàn ông Mông không ngoảnh đầu lại, vừa đi anh vừa thuật lại những gì tàn khốc đã từng xảy ra tại đại ngàn Hoàng Liên này. Năm 1998, năm 2000, năm 2010 hay năm 2012, những trận cháy lớn, anh không biết tính diện tích rừng bị cháy bằng các con số thống kê theo hecta như các cơ quan chức năng, thông tấn hay báo đài từng công bố. Anh chỉ đưa chúng tôi lại một điểm bao quát và dễ quan sát nhất trên đường đi, chỉ cho chúng tôi những ngọn núi nào nơi đây đã từng chìm trong biển lửa, những tán rừng nào đã từng bị thiêu rụi. Quả thật khi nhìn lại, những thung lũng chết trải dọc hành trình chúng tôi đi, dấu tích còn in hằn rõ rệt. Hầu như không có mảng xanh nào là chưa từng bị cháy. Năm nào cũng có cháy. Và gần đây nhất theo lời anh kể là 2 vụ cháy đợt tháng 3 vừa rồi, những vụ cháy trên độ cao khoảng 1800m, địa hình hiểm trở cộng với gió thổi mạnh, đám cháy sẽ lan nhanh hơn khiến công việc chữa cháy gần như vô vọng. Những con số dù có cụ thể và chính xác đến đâu khi thiên nhiên bị huỷ hoại có lẽ cũng không thể phản ánh lên được toàn bộ những câu chuyện đã từng xảy ra. Chỉ có những con người bản địa nơi đây, sinh sống và nương náu dưới những tán rừng này mới hiểu rõ hơn ai hết sự mất mát và nỗi đau của đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Sau cháy rừng, cỏ dại hồi sinh mạnh mẽ, rừng già chết đi mang theo mãi những dấu tích thăng trầm và câm lặng của lịch sử. Ở 2700m quần thể cây Đỗ Quyên có tuổi đời bình quân trên 200 tuổi còn sót lại, loài cây đặc hữu của Vườn quốc gia Hoàng Liên đang được xem xét, công nhận là Cây di sản Việt Nam có lẽ sẽ như niềm hy vọng được thắp lên bên cạnh công tác bảo tồn rừng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa là việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và du khách về giá trị của những cánh rừng nguyên sinh khi đặt chân đến vùng đất này.
"Người dân đốt rừng làm rẫy, nướng thảo quả, nung gỗ lấy than hoa. Khách du lịch bất cẩn đốt lửa nhưng quên không dập trước khi đi. Đấy là nguyên nhân. Tất cả đều do con người..." Và anh Di tiếp tục câu chuyện với chúng tôi trên đường đi tới nóc nhà của Đông Dương. Tôi, Andrea và Job giữa đại ngàn Hoàng Liên. Ảnh: Anh Di. Tôi, Andrea và Job giữa đại ngàn Hoàng Liên. Ảnh: Anh Di. Anh Di Anh là người dẫn đường cho chúng tôi trong hành trình lên tới đỉnh Phansipan. Thực sự bất ngờ khi tôi, Job và Andrea biết được anh bao nhiêu tuổi. Chúng tôi cho đến trước bữa cơm tối ở độ cao 2800m hôm đó, tự trách mình, những vị khách du lịch thật quá vô tâm. Người đàn ông với khuôn mặt xỉn màu, sạm đen và vóc dáng khắc khổ đã 15 năm dẫn đường cho khách du lịch khắp các vùng núi cao từ Đông Bắc sang đến Tây Bắc, từ Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Giang cho đến Lào Cai - Lai Châu - Yên Bái - Sơn La. Nơi đây, giữa đại ngàn Hoàng Liên này, anh thuộc từng chặng nghỉ, từng cao độ, từng cành cây, khúc ngoặt trên đường. 2 lần một tuần, anh đều đặn dẫn những đoàn khách lên chinh phục nóc nhà Đông Dương trong sự háo hức khám phá của mỗi con người rồi lại đưa họ trở về an toàn và đón đoàn khách mới tiếp tục hành trình thử thách. Đối với những porter dẫn đường bản địa như anh thì việc đặt chân tới đỉnh Phansipan này nói riêng cũng như những đỉnh núi khác trong danh sách những đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Pú Luông hay Bạch Mộc Lương Tử hoặc những đỉnh cao khác là chuyện thường xuyên và đại ngàn nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai, chính là nơi để anh dựa vào kiếm kế mưu sinh. Khi đến độ cao 2800m - nơi các đoàn sẽ dừng chân nghỉ lại, dưới cơn mưa rừng tầm tã và cái rét dần ngấm vào cơ thể khi chiều tối đến, sự mệt nhoài khiến 3 người chúng tôi chui nhanh vào trong lều rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lát sau chúng tôi chợt tỉnh dậy trong tiếng gọi đánh thức của anh Di, anh đã chuẩn bị xong bữa tối cho chúng tôi. Một mâm cơm đầy đủ, thật ngạc nhiên trước những món ăn mà người đàn ông này bày trên mâm cho những vị khách du lịch đang sắp chết đói là chúng tôi. Bắp cải xào, canh trứng, đậu sốt cà chua, thịt lợn xào, nem rán, rau muống xào. Quá đủ cho những cái dạ dày đang sôi sùng sục. Andrea nhìn tôi hỏi: “Chung, mày nghĩ sao khi chúng ta vừa đến nơi là lăn ra ngủ trong khi Di đi nấu bữa tối cho chúng ta ?” Tôi chỉ biết im lặng, nhìn anh, người đàn ông bắt đầu lôi ra trong gùi 2 chai rượu trắng, vừa rót vào bát cho chúng tôi, anh vừa xuýt xoa trong niềm hứng khởi cuối ngày. Anh thích uống rượu, có lẽ rượu giúp làm ấm cơ thể những con người quen sống với giá lạnh núi rừng phía Bắc như anh. Anh liên tục mời chúng tôi chạm ly, hớp những ngụm rượu dân tộc nặng đến xè cổ trôi qua cuống họng. Trong suốt cả hành trình có lẽ đây là lúc tôi được nhìn thấy nụ cười của anh rạng rỡ nhất. Cũng giống như những đồng bào người Mông của anh ở Hà Giang, nơi tôi đã từng đặt chân đến, họ coi rượu như những người bạn và là đồ uống không thể thiếu để chống trọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên, để chống trọi với dòng thời gian trôi qua trong tẻ nhạt và lặng lẽ nơi họ được sinh ra. Thu nhập 1 tháng cho công việc dẫn đường của anh chưa đến 5 triệu đồng. Từng bước chân anh trên dãy Hoàng Liên Sơn sẽ nuôi nấng giấc mơ cho 2 đứa con trai anh đến với những con chữ để thành người, để sau này không phải mưu sinh vất vả như cha của chúng. Đó là mong muốn của anh. Tôi tự hỏi khi tuyến cáp treo kia được hoàn thành trên độ cao 3000m vào năm 2017 liệu có ảnh hưởng nhiều đến kế sinh nhai của anh ? Những porter dẫn đường nơi đây như anh rồi sẽ làm gì với những khó khăn đầy rẫy của cái nghèo vùng cao ? Khi di chuyển trên đường núi, chỉ cần bớt đi 1 chai nước mang theo người là bạn đã thấy việc di chuyển trở nên dễ dàng và nhẹ nhõm hơn. Tôi mang theo balô chưa đến 2kg và cảm thấy sức nặng rõ rệt trong từng bước chân mỗi khi leo các đoạn dốc. Vậy mà, người đàn ông này luôn mang trên vai khoảng 25kg đồ đạc, bạt dựng lều, thức ăn và đồ uống cho chúng tôi trong 2 ngày leo. Không một lần anh muốn dừng lại nghỉ, không một lần kêu mệt, luôn giúp chúng tôi trong những đoạn khó đi, 4 bữa ăn được anh chuẩn bị. Đó là người porter dẫn đường mà 3 người chúng tôi may mắn có được trong chuyến đi ngày hôm ấy. Vinh quang cho những bước chân trên đỉnh cao này, xin được dành cho những con người như anh. Gương mặt này, anh sinh năm 1980, năm nay, anh mới 34 tuổi, anh Di. Anh Di – porter của chúng tôi trong chuyến leo Phan ngày hôm đấy. Anh Di – porter của chúng tôi trong chuyến leo Phan ngày hôm đấy. Cáp treo Vài dòng note này tôi không có ý phản đối việc xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Phansipan sẽ được đặt ở độ cao 3000m bởi đây là câu chuyện đã cũ và mọi chuyện cũng đã rồi. Tôi có hỏi một vài người dân ở đây, tôi hỏi cả vị chủ khách sạn nơi tôi dừng chân, nhưng tất cả họ đều lắc đầu nói việc xây dựng cáp treo dù có bị phản đối đến đâu cũng không ngăn cản được. Cáp sẽ dừng ở độ cao 3000m cũng có nghĩa là những vị khách tò mò và ưa mạo hiểm sẽ chỉ phải leo thêm khoảng 143m nữa là có thể nghiễm nhiên chễm trệ đứng trên nóc nhà của Đông Dương. Ai cũng có quyền được một lần thử cảm giác khi đứng trên đỉnh cao lộng gió này. Nhưng tôi băn khoăn những gì sẽ hiện diện tại nơi đây sau khi tuyến cáp treo đó hoàn thành, phải chăng cao độ 3000m sẽ bị cày nát bởi những dấu chân hiếu kỳ và sẽ được bê tông hoá rồi tận dụng tối đa vì mục đích thương mại ? Nhưng có lẽ điều tôi và những người đã từng len lỏi giữa rừng già nơi đây quan tâm hơn cả là những porter dẫn đường như anh Di của nhóm chúng tôi ngày hôm đấy, khi tuyến cáp treo được hoàn thành, công việc của họ sẽ đi về đâu ? Những bước chân lặng lẽ và dáng đi lầm lũi của họ giữa đại ngàn Hoàng Liên này sẽ đi về đâu? Mái nhà của họ cùng những đứa nhỏ với giấc mơ con chữ rồi sẽ đi về đâu?
Những câu hỏi theo suốt hành trình chinh phục Fansipan.
Một chú bé dân tộc Mông - Sapa với nhúm xôi ngũ sắc trên tay đang được địu trên lưng mẹ. Ngày về 4h chiều,Trạm Tôn đón chúng tôi trở về trong mưa phùn. Job nói anh muốn ăn kem ngay khi nhìn thấy quán giải khát với thùng kem trước mặt và tôi mời anh. Andrea thì mệt lử và đói nhưng cô không muốn ăn bất cứ gì vào lúc này. Chúng tôi ngồi đấy đợi taxi của khách sạn đến đưa về Sapa. Lên xe, anh Di phàn nàn với tài xế vì chiếc xe đến chậm còn tôi thấy rõ không khí xung quanh đang bốc mùi không mấy dễ chịu do những vị khách du lịch rừng rú này mang lại. Lên xe độ 20 phút, khung cảnh bên ngoài đã hoàn toàn đổi khác, càng hạ độ cao, trời càng xanh rõ rệt. Một trận mưa có lẽ vừa tạnh, còn nguyên vết dấu ướt loáng trên mặt đường. Nắng vàng ruộm, phủ kín từng khúc cua. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt chứng kiến 3 chiếc cầu vồng lớn sau mưa, chúng gần như nối tiếp nhau, vắt ngang qua thung lũng đang lướt nhanh bên ngoài cửa sổ chiếc taxi. Chiếc xe mải mê tận hưởng những gì đang diễn ra trong yên lặng. 3 chúng tôi ở 3 khách sạn không quá gần nhau trong trung tâm thành phố, chúng tôi đành phải chia tay và hẹn ngày gặp lại. Job tiếp tục hành trình du lịch sang Lào còn Andrea mong muốn cưỡi xe máy dọc biên giới phía Bắc của Việt Nam sau đó cô sẽ sang Campuchia (cho đến khi tôi ngồi gõ lại những dòng này thì cả hai đang chu du theo đúng lịch trình như của họ đã dự định từ trước). Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi – Thành phố Sapa. Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi – Thành phố Sapa. Tôi cũng tạm biệt anh Di sau khi cụng với anh vài ly rượu cuối chiều và húp đẫy 2 tô phở bự trước khi lên xe. 19g, chiếc xe giường nằm lăn bánh. Tôi được mấy anh lơ đẩy xuống nằm một góc hàng dưới cùng với bộ quần áo đang mang sặc mùi Hoàng Liên Sơn để tránh ảnh hưởng đến những hành khách khác trên xe. Hơn 4g sáng, xe về đến Hà Nội. Mùi phố thị nồng nặc. Hành khách xuống xe tranh thủ leo lên những chiếc taxi đang đậu gần đấy, đám đông nhanh chóng chẳng mấy chốc không còn ai. Từ đây về nhà chắc khoảng 5 cây số. Tôi lại gần chiếc xe ôm cách đang đỗ cách độ dăm mét. "40 nghìn cháu nhé, không rẻ hơn được đâu", người đàn ông trung niên trả lời khi tôi nói địa điểm đến. Một chi phí hoàn toàn hợp lý cho quãng đường về nhà và giải quyết gọn sự mệt mỏi. Nhưng cuối cùng, đôi chân mỏi rã, lại thêm cả đêm không duỗi được trên chiếc giường nằm với thiết kế chết tiệt cuối xe vẫn muốn đi. Balô trên lưng, đôi tổ ong trắng, một tay chiếc gậy trúc, một tay là túi ni-lông đựng đôi giầy nhuốm bùn đen sì thối hoắc và hòn đá vác về từ độ cao 2900m. Ngôi sao vàng trên chiếc áo đỏ cộc. Bên tai tôi văng vẳng lời tiếng hát quốc ca nơi nóc nhà Đông Dương. Tôi bắt được chuyến xe buýt đầu tiên của tuyến xe số 19 ngày hôm đấy sau khoảng hơn 1 cây số cuốc bộ giữa loáng thoáng những ánh mắt nhìn tôi nghi ngại vẫn còn lộ rõ vẻ ngái ngủ như chưa muốn đón chào bình minh ngày mới. Và ngày về trong túi hộp chiếc quần dằn di, tôi giữ lại được 33.000 đồng cùng một cuống vé xe buýt mệnh giá 7.000 đồng.Nguồn Zing News
Có thể bạn quan tâm: