ama trong tiếng Nhật có nghĩa là “Người phụ nữ của biển”. Truyền thuyết về các Ama được ghi lại từ những năm 750 TCN trong tập thơ ca cổ Manyoshu. Từ xa xưa, phụ nữ Nhật sống rải rác trên các bán đảo làm nghề lặn mò bào ngư, sò, ngọc trai, rong biển kiếm sống. Họ sử dụng kỹ thuật đặc biệt, lặn tới độ sâu 30 m và nín thở được trong vòng hai phút.
Sau đó các Ama sẽ nổi lên, mở miệng nhẹ nhàng và thở ra chậm rãi, phát ra âm thanh như tiếng sáo nhỏ. Họ làm việc 4 tiếng một ngày theo nhiều ca nhỏ. Người Nhật tin rằng phụ nữ phù hợp với công việc lặn hơn nam giới bởi có lớp mỡ dày trên cơ thể. Chính đặc điểm này giúp họ ở dưới nước lâu hơn và bắt hải sản bằng tay hiệu quả hơn.
Ama với trang phục và đồ nghề đơn giản. Ảnh: thecultrutrip. |
Trong mùa lặn, cuộc sống của các Ama chỉ quanh quẩn trong các lều amagoya. Đây là nơi các thợ lặn tập trung vào buổi sáng để chuẩn bị cho cả ngày làm việc, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau kiểm tra dụng cụ lặn. Sau khi lặn, họ trở về túp lều để tắm, nghỉ ngơi, làm ấm cơ thể. Bà Shigako Imura, một thợ lặn, cho biết: “Trong quá khứ, người ta thường hay bảo một phụ nữ (trong vùng này) không thể lấy được chồng trừ khi cô ấy là một Ama”.
nghề truyền thống vẫn được duy trì đến ngày nay dọc theo các vùng bờ biển Nhật Bản. Nhưng phong tục để ngực trần của các Ama đã không còn. Một bức hình hiếm hoi của nhiếp ảnh gia Fosco Marani ghi lại được hình ảnh của một Ama truyền thống. Thông qua tác phẩm, Fosco lột tả được hết tầm quan trọng của Ama trong nghề nuôi ngọc trai và tôn vinh vẻ đẹp khỏe mạnh của những phụ nữ làm nghề này.
Sau thế chiến thứ hai, khi ngành công nghiệp du lịch nở rộ, các du khách bắt đầu đặt câu hỏi về những cô gái thợ lặn ngực trần. Dù là sự vô tình nhìn thấy hay tò mò của du khách, cũng khiến các Ama phải tìm tới những bộ đồ kín đáo hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Ama trung thành với kiểu trang phục xưa, đơn giản, thể hiện mạnh mẽ nhất vẻ đẹp của Ama truyền thống. Ama truyền thống chỉ mặc duy nhất một chiếc fundoshi (quần vải ngắn) và quấn khăn tenugi quanh đầu để giữ chặt tóc không xõa ra khi lặn, dễ dàng di chuyển dưới nước. Họ buộc dây thừng quanh eo, neo một đầu dây vào thuyền và sẽ kéo mạnh sợi dây thừng để ra hiệu cho người trên thuyền thời điểm sẵn sàng để nổi lên.
Ama ngày nay ăn mặc kín đáo hơn và dùng thùng phao gỗ. Ảnh: nzz. |
Khi Mikimoto Kokichi bắt đầu khởi xướng ngành công nghiệp nuôi ngọc trai ở Nhật Bản, ông đã chọn những Ama chuyên nghiệp để chăm sóc trai nuôi trên Đảo Ngọc, gần thành phố Toba. Chính việc này giúp lưu truyền nghề lặn của phụ nữ nhật bản đến ngày nay sau nhiều thay đổi.
Những thợ lặn của Mikimoto mặc đồ kín toàn thân màu trắng và sử dụng một thùng gỗ làm phao. Không giống Ama truyền thống phải cột mình với thuyền, Mikimoto Ama cột vào phao bằng dây và sử dụng nó trong suốt quá trình lặn. Họ mò trai dưới biển, đưa lên nhồi ngọc nhân tạo và thả lại xuống vùng nước nuôi.
Nhật Bản là quốc gia sở hữu nền văn hóa phong phú và độc đáo với những truyền thống được gìn giữ đến ngày nay. Tuy nhiên không phải tất cả tập quán đều sống mãi. Những thợ lặn Ama, nghề truyền thống “lãng mạn” của phụ nữ Nhật đang có nguy cơ biến mất trước sức ép của cuộc sống hiện đại.
Xem thêm: Những nàng tiên cá ở Đảo Jeju
Như Bình