Với nhiều du khách và các đôi tình nhân, những ổ khóa được treo trên cây cầu là biểu tượng cho tình yêu bất tử nhưng với một số người, điều đó chỉ tạo nên sự rối rắm trong mắt họ. Chiến dịch mang tên No Love Locks (tạm dịch là nói không với khóa tình yêu) đã bắt đầu chạy từ tháng hai và thu thập được hơn 1.700 chữ ký. Tác giả đứng đằng sau chiến dịch này lại là hai người Mỹ sống tại Paris.
Ý tưởng góp phần tạo nên những cây cầu tình yêu ở paris bắt đầu từ khi các cặp đôi mang những ổ khóa bấm vào thành cầu rồi ném chìa khóa xuống sông với niềm tin rằng tình yêu của họ sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy vậy, với số lượng khoảng 700.000 ổ khóa được gắn khắp nơi ở thủ đô của nước Pháp, trọng lượng của chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kiến trúc.
Đôi bạn trẻ ôm hôn nhau trên cây cầu tình yêu Pont Des Arts khi còn ít ổ khóa - Ảnh: Huffingtonpost |
Hai công trình đang bị tác đông trực tiếp là Pont des Arts và Pont de l’Archevêché. Các ổ khóa có thể nhìn thấy ở hầu hết các cây cầu bắc ngang sông Seine cũng như những cây cầu bắc ngang nhiều dòng kênh trong thành phố. Trên những cây cầu nổi tiếng trên, du khách hiện chỉ có thể nhìn thấy bức tường kim loại tạo nên bởi các ổ khóa. Thậm chí nếu bạn vào Google Maps họ cũng ghi chú cầu Pont de l’Archevêché là cầu khóa tình yêu – Lovelock Bridge.
Lisa Anselmo, người đồng tổ chức chiến dịch cho biết: “Chúng ta gần như không thể kiểm soát” (việc gắn các ổ khóa). Lisa Taylor Huff, một thành viên khác trong nhóm chia sẻ: “Có người còn cố gắng leo lên cả những cột đèn để bấm những ổ khóa hay thậm chí nhoài ra mặt ngoài thành cầu, đùa với tính mạng của chính mình để tìm được một chỗ lắp khóa. Đây gần như là một phong trào và gần như chẳng còn tính lãng mạn. Chỉ đơn thuần là bạn trở về và có thể khoe rằng tôi đã làm điều đó”.
Nhiều người khác khi nghe về chiến dịch này tỏ ra rất tức giận và các nhà tổ chức đã nhận không ít thư phàn nàn, tuy vậy ông Jean-Pierre Lecoq, người đứng đầu quận 6 lại ủng hộ ý tưởng này. Phát biểu trên RTL Radio vào tháng 8 năm ngoái, ông cho biết khi du khách đi ngang khu vực có những cây cầu họ sẽ nhìn thấy những khối kiến trúc nặng nề và rối mắt. Chưa kể nếu không may các ổ khóa có nguy cơ rơi xuống sông nơi bên dưới là những con tàu đang qua lại.
Cây cầu pont des arts trông rất trống trải vào năm 2015 - Ảnh: Alamy/smh |
Theo Anselmo, đây không phải đơn giản là vấn đề thẩm mỹ “Chẳng phải chỉ hai người Mỹ chúng tôi đứng nhìn và tự mình bảo nó không đẹp. Điều cần quan tâm hiện nay là sức nặng của những ổ khóa này đang chạm đến ngưỡng chịu đựng an toàn của các cây cầu bộ hành. Pont des Arts chỉ là câu cầu nhỏ và hiện đang gánh 93 tấn từ các ổ khóa. Thi thoảng chính quyền lại phải thay thế hay gia cố những hàng rào bên thành cầu và chỉ hai tuần sau đó nó lại được lấp đầy ổ khóa. Cách duy nhất có lẽ là phải có luật cấm”.
Thông tin trên website chính thức của chính quyền thành phố cho biết họ nắm được thông tin về ý tưởng tích cực này và đang cố gắng thuyết phục du khách gửi những “ổ khóa tình yêu điện tử - e-love lock” thay vì ổ thật bằng kim loại. Website có đoạn ghi: “Nếu một nét truyền thống lớn mạnh và phổ biến nhưng ảnh hưởng quá nhiều đến các biểu tượng của thành phố, các giải pháp đưa ra sẽ được xem xét để bảo vệ chúng”. Thông tin tốt hơn là họ sẽ cố gắng để không làm tổn thương tới những ai đã để lại lời nguyện thề trên những cây cầu ở Paris.
Vấn đề ổ khóa thật ra không chỉ riêng Paris đang đối diện. Năm 2012, chính quyền thành phố Dublin đã quyết định dỡ bỏ tất cả các ổ khoá trên cây cầu Ha’penny trong khi cầu Hhenzollern ở Cologne đã không thể thực hiện được kế hoạch do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng.
Cầu Pont de l'Archeveche trong tình trạng gần như không còn một chỗ trống để treo khóa - Ảnh: DM |
Cũng cần nhìn nhận một chút về hành động của các du khách. Be Lifton đến Paris tháng 2 vừa qua, khi đang tham quan với người yêu của mình. Họ cho biết người bán khóa và cả khắc tên xuất hiện ngay trên cầu và đơn giản là chỉ cần gật đầu bạn sẽ có dấu ấn để lại. “Với tôi đó là một kỉ niệm đẹp khi đi đâu đó và lưu giữ chút gì tại nơi mình ghé qua”. Anh cho biết nếu chiếc khóa của mình bị gỡ thì “hơi buồn một chút”
Adam Driver, người có ổ khóa để lại tại Paris cũng đồng tình: “Cây cầu ở Paris gần Nhà Thờ Đức Bà được phủ kín những ổ khóa đủ loại màu sắc, kích cỡ và hình dáng. Tôi nghĩ là cây cầu trông tuyệt đấy chứ. Đó là một trong những điều đáng làm ở Paris. Là cây cầu biểu tượng cho tình yêu nên nếu những ổ khóa này bị dỡ bỏ thì thật là đáng xấu hổ bởi nó giữ rất nhiều kỉ niệm của mọi người”.
Nhưng với hai nhà hoạt động Anselmo và Huff, chiến dịch No Love Locks muốn nhắn nhủ đến những người thực sự yêu Paris “Chúng tôi tôn trọng và hiểu rằng hành động của các bạn mang một ý nghĩa biểu tượng, nhưng chúng ta nên yêu Paris hơn một chút. Nếu đó là tình yêu thật sự, hãy nghĩ về các biểu tượng bạn để lại thành phố này và những gì người dân Paris phải gánh. Vì thế hãy cố gắng kiềm chế bạn một chút”.
Còn bạn, liệu bạn sẽ cố để lại một chiếc khóa cùng với người mình yêu hay là đồng cảm cùng No Love Locks và liệu Paris có còn lãng mạn khi không có cơ hội gắn khóa trên cầu tình yêu.
Hoài Nam