Cách sân bay quốc tế Ngurah Rai, bali khoảng 2 giờ chạy xe, Ubud - ngôi làng xinh xắn với lối nghệ thuật kiến trúc độc đáo, cái nôi văn hóa và truyền thống của Bali là điểm đến đầy mê hoặc cho những ai muốn trải nghiệm nhịp sống hàng ngày của người dân bản địa. Đó như một thế giới hoàn toàn khác: tĩnh lặng, bình yên và trong trẻo. Vẻ trầm mặc của ubud đủ khiến những du khách có tính cách dù vội vàng đến mấy cũng sẵn sàng sải bước chậm hơn. Và có lẽ ít người biết rằng quyển sách "Ăn, Cầu nguyện và Yêu" của nhà văn Elizabeth Gibert cũng được ra đời tại chính ngôi làng này.
Khung cảnh gây ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Ubud, Bali, Indonesia. Ảnh: Pinterest |
Lần đầu đặt chân đến Ubud, bạn sẽ có cảm giác khoan khoái bởi thời tiết khá dễ chịu, dù trời có nắng cũng không tạo cảm giác bức bối cho du khách. Vừa nhắm mắt cảm nhận khí hậu trong lành, bạn sẽ tiếp tục nghe tiếng chim hót ríu rít rất vui tai. Đi sâu vào trong Ubud, bạn ngay lập tức bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ và xanh ngát của ruộng bậc thang.
Những con đường ở đây cũng rất khác, chúng chỉ nhỏ vừa đủ cho hai làn xe chạy và quanh co nhấp nhô núi đồi. Khi đã đến Ubud, bạn không thể bỏ qua khu rừng khỉ Monkey Forest. Những con khỉ có vóc dáng nhỏ, vẻ mặt hiền lành, thân thiện và ánh mắt đầy tình cảm. Chỉ cần nhìn thấy du khách làm động tác giơ máy chụp hình, khỉ con lẫn khỉ mẹ đều đứng yên. Những bức ảnh khỉ mẹ ôm ấp khỉ con nhiều lần khiến du khách nao lòng. Sợi dây gắn kết giữa con người và thiên nhiên càng hiện rõ hơn ở ngôi làng Ubud.
Gia đình khỉ dưới ống kính của du khách. Chúng rất hiền lành và không chút đề phòng với con người. Ảnh: Sanho |
Người dân ở đây rất sùng đạo. Một ngày họ có thể dành nhiều tiếng đồng hồ ở trong đền và trước mỗi nhà đều đặt một bàn thiêng. Nán lại Ubud vài ngày, du khách sẽ bắt đầu quen thuộc với hình ảnh những người phụ nữ đội lên đầu mâm quả và nối đuôi nhau tiến về đền thờ để cúng lễ. Chính vì nét đẹp tín ngưỡng này nên khi đến Ubud bạn phải ghé thăm những ngôi đền có lối kiến trúc tuyệt đẹp như Ulun Danu, Tanah Lot.
Những người phụ nữ đội lên đầu mâm quả đang trên đường đến đền thờ cúng lễ. Ảnh: Sanho |
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Ubud chỉ có mỗi sự mộc mạc, đồng quê, mà thật ra nó còn có nét hiện đại, sang trọng. Đơn cử là dọc hai bên đường ở đây có rất nhiều cửa hàng nhỏ được thiết kế khá hợp thời, đặt san sát nhau để bày bán đồ lưu niệm, trang sức hoặc quần áo. Những con phố khác như Jalan Hanoman, Jalan Dewi Sita hoặc chợ nghệ thuật Pasar Seni cũng nên được ghi vào địa điểm mua sắm trong sổ tay du lịch. Dân địa phương Ubud rất hiếu khách, họ luôn nhoẻn miệng cười khi gặp người lạ. Khi tìm mua những món đồ dân dã, du khách có thể tha hồ trả giá mà không bắt gặp những cái chau mày, nhăn nhó.
Điều ấn tượng nhất ở Ubud có lẽ là những quán cà phê nằm chi chít hai bên đường Monkey Forest với lối đi nhỏ lát gạch đỏ dễ thương. Ở những quán này họ không mở nhạc xập xình, ầm ĩ, mà có một ca sĩ đứng hát. Người ca sĩ này có thể vừa đàn ghi-ta vừa hát, thậm chí chơi được piano. Nếu có dự định đến Ubud, điều duy nhất bạn cần lưu ý đó là ngôi làng này không phải một địa điểm về đêm, vì tầm 10 giờ đường xá ở đây vô cùng tĩnh mịch. Vài quán cà phê chỉ khe khẽ tiếng nhạc và hầu hết những ai còn thức cũng tự giác điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe.
Ubud nằm giữa hòn đảo Bali và có khoảng 30.000 người dân sinh sống. Hàng năm, ngôi làng này thu hút một lượng lớn khách du lịch và hiện đang có chiều hướng tăng lên. Du khách đến Ubud thường được xoa dịu về mặt tinh thần lẫn thể chất vì bên cạnh những phòng triển lãm nghệ thuật, Ubud còn có nhiều nhà hàng và spa chuyên nghiệp. Làng và đền thờ ở đây hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể xuyên suốt nhiều năm lịch sử. Thức ăn ở Ubud nói riêng và Indo nói chung thì đa dạng nhưng thường họ làm hơi cay và mặn. ngôi làng ubud khá nhỏ, do đó du khách có thể tản bộ hoặc thuê xe để khám phá cảnh vật. Mỗi ngày đều có chuyến bay từ Việt Nam tới Bali nhưng quá cảnh ở Singapore hoặc Thái Lan. Ở sân bay luôn sẵn sàng xe đón đi Ubud với hành trình khoảng 2 tiếng. |
Thảo Nghi