1. Phương tiện đi lại
Từ Hà Nội có rất nhiều xe khách đi đến các tỉnh vùng Tây Bắc, nhưng đi xe khách bạn chỉ có thể đến trung tâm các thành phố, mà vẻ đẹp của Tây Bắc chính là hành trình qua mỗi chặng đường. Cách khám phá Tây Bắc tốt nhất là rủ một nhóm bạn đi cùng, thuê xe ô tô hoặc "phượt" bằng xe máy.
Nếu đi xe máy từ Hà Nội, bạn cần lắp đủ 2 gương chiếu hậu. Bảo dưỡng thay dầu xe trước khi đi. Nếu đi ôtô, cũng cần mang ra gara để kiểm tra phanh, dầu máy, đảo lốp cho xe nếu cần. Đặc biệt kiểm tra dàn đèn, xe ôtô đi phượt nên có đèn vàng để chiếu sáng trong điều kiện sương mù ở các tỉnh miền núi.
Với xe máy, không lắp được thêm đèn, bạn nên chuẩn bị một tờ decal trong loại màu vàng để dán vào đèn pha xe máy khi đi qua mây mù. Nhưng tốt nhất là tránh đi buổi đêm. Cần mang theo tất cả các giấy tờ xe, giấy phép lái xe.
Nếu đi bằng xe ô tô, bạn không nên đi quá 60 km/h khi lên các đèo dốc. Vận tốc tốt nhất là 40 – 50 km/h, bạn vừa có thể ngắm cảnh, vừa đảm bảo an toàn. Đối với xe gắn máy, tốc độ nên giữ từ 30 – 40 km/h khi lên xuống đèo. Mỗi khi lên hết một đỉnh dốc, cần dừng lại nghỉ ngơi vài phút trước khi đổ dốc. Mỗi ngày không nên đi quá 200 km. Những ngày cuối sẽ mệt hơn. Đi khoảng 150 km nên dừng nghỉ một đêm là tốt nhất. Đi du lịch Tây Bắc cần túc tắc để thưởng ngoạn phong cảnh, khám phá đời sống.
2. Tiền bạc
Không nên mang theo nhiều tiền mặt, chỉ mang tiền vừa đủ cho xăng xe, ăn ở ngủ nghỉ và một số chi phí mua sắm lặt vặt. Nên mang theo thẻ ATM đề phòng cần viện trợ dọc đường và để đảm bảo an toàn.
3. Chỗ nghỉ ngơi và ăn uống
Vùng Tây Bắc, thông thường mỗi chặng đường khoảng 50 km sẽ có một thị trấn nhỏ. Mỗi thị trấn đều có nhà nghỉ nhưng điều kiện và chất lượng dịch vụ hạn chế. Tốt nhất bạn nên tính toán cẩn thận hành trình để đến được các thành phố hoặc thị xã trung tâm. Có thể tham khảo thêm người địa phương để tìm chỗ nghỉ.
Tìm chỗ ở gần chợ hoặc trên các đường chính trung tâm giúp bạn dễ tìm chỗ ăn uống và dạo phố đêm. Phần lớn các nhà khách, phòng trọ ở khu vực này giá khoảng 100.000 – 200.000 đồng/đêm. Nên xem phòng trước khi quyết định nghỉ lại.
Các quán ăn trên cung đường này không nhiều, nhất là những chặng xa thị trấn, trung tâm thị xã, thành phố. Nếu thấy hàng quán, bạn nên dừng lại ăn, đừng kén chọn hoặc đợi quán tốt hơn, bạn có thể sẽ bị đói.
Phần lớn hàng quán ở đây ít khách và khách đến vào các giờ khác nhau nên chủ quán ít khi nấu sẵn thức ăn. Chỉ đến khi bạn đến, gọi món thì chủ quán mới nấu để thức ăn được nóng sốt. Vì thế đừng ngại những quán ăn trông "nghèo nàn".
Các món ăn “tủ” của hàng quán cung đường Tây Bắc là đậu hũ sốt cà, bò xào cần, canh rau đay ăn với cà pháo... Mấy món này khách ăn thường xuyên nên thực phẩm tươi, nấu cũng ngon hơn, lại đủ chất cho hành trình dài. Vài nhà hàng đoạn Mộc Châu có món cá suối chiên khá ngon, ăn kèm với dưa muối chua. Đoạn Sơn La - Điện Biên có món măng chua, hoặc gà rang mặn...
4. Hành lý
Đồ đi phượt không cần nhiều, chỉ mang những đồ thiết yếu. Dùng ba lô hoặc túi mềm. Không mang vali hoặc đồ túi cứng vì khó vận chuyển và cồng kềnh.
Ngoài ra, bạn nên dự trữ thức ăn trên xe như bánh ngọt, chocolate, vài loại trái cây như táo, mận, cam.. phòng khi đói bụng mà không gặp hàng quán dọc đường. Luôn mang theo áo ấm dù đi cung đường này vào mùa Đông hay mùa Hè.
Nguồn Sưu tầm
Có thể bạn quan tâm: