Sau khi thăm vịnh Hạ Long, chị Thu Anh (Hà Nội) cho biết, gia đình muốn ở lại thành phố biển vài ngày song không biết đi đâu, chơi gì bởi "dịch vụ ở đây vẫn như 10 năm trước". Công viên Hoàng Gia hầu như không có trò chơi, khu du lịch Tuần Châu quanh quẩn vẫn biểu diễn cá heo, hải cẩu và mấy trò chơi đụng xe, đu quay ở nơi nào cũng có. Bãi biển thì đục ngàu, thấy cả váng dầu nên không dám tắm.
Tương tự, nhiều khách du lịch đến hạ long đều tỏ ra tiếc nuối khi danh thắng này chưa được khai thác đúng tiềm năng vì thiếu khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực, các khu nghỉ dưỡng... Một du khách tên Vinh chia sẻ, gia đình anh hay đi Đà Nẵng nghỉ dưỡng cả tuần chỉ để tắm biển, ăn đồ biển, nhưng không thể đi nghỉ dưỡng ở Hạ Long mặc dù quãng đường gần hơn.
"Hạ Long có biển song ở đây không thể tắm vì ô nhiễm, lại thiếu các chỗ giải trí nên chúng tôi chỉ chơi ở đây 2 - 3 ngày rồi về", anh Vinh nói.
Nhiều du khách e ngại tắm biển Hạ Long vì rác thải và váng dầu. Ảnh: Trí Tín. |
Thời gian qua, vịnh Hạ Long thu hút khá đông du khách quốc tế và nội địa song chi tiêu của khách thấp, thời gian lưu trú không dài nên hiệu quả kinh doanh không cao. Theo Tổng cục Du lịch, doanh thu của hơn 10 khách sạn 4 sao tại Hạ Long chỉ ngang doanh thu của khách sạn Metropole Hà Nội, là 690 tỷ vào năm 2011.
Trước đây, Quảng Ninh vẫn nằm trong top các tỉnh thành có doanh thu du lịch cao, chỉ đứng sau Hà Nội, TP HCM. Song, 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu du lịch của Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bình Thuận đã vượt qua Quảng Ninh, đạt 2.500 - 2.800 tỷ đồng.
Là người kinh doanh du lịch tại Hạ Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển so sánh, Đà Nẵng chỉ có biển song họ biết khai thác nhiều dịch vụ du lịch để tạo lợi nhuận cao, còn Quảng Ninh chỉ mới biết khai thác tài nguyên thiên nhiên. Song, phí thắng cảnh lại quá thấp nên không tạo nguồn lực để bảo tồn.
"Tôi đi nhiều nước thấy vé vào điểm du lịch rất cao, muốn bảo tồn phải có nguồn lực, muốn có kinh phí thì phải khai thác vịnh Hạ Long có hiệu quả cao hơn. Cần có cơ chế riêng về giá vé cho người dân Việt Nam hoặc người nghèo trong một số tháng thấp điểm, còn các tháng cao điểm cần tăng giá vé", ông Tuyển nói.
Ngoài ra, theo vị "chúa đảo" Tuần Châu, Hạ Long còn thiếu phố ẩm thực, khu mua sắm, hàng lưu niệm... Chưa kể các tàu du lịch khi ít khách lại kéo giá xuống để cạnh tranh, khi đông khách thì tăng giá... khiến hình ảnh du lịch Hạ Long ít nhiều bị ảnh hưởng, hiệu quả kinh doanh thấp.
Ngoài thăm vịnh Hạ Long, du khách biết đến đảo Tuần Châu với màn biểu diễn cá heo quen thuộc. Ảnh: Đoàn Loan. |
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, cách tổ chức du lịch hiện nay tại vịnh Hạ Long vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không có hiệu quả. Trên thế giới không có điểm tham quan đẳng cấp nào bán vé dưới 10 USD một người cho mỗi lần tham quan. Các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia đều thu phí tham quan di tích rất cao, đây là nguồn tài chính đáng kể đầu tư nâng cấp hạ tầng, cảnh quan du lịch.
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Du lịch gợi ý, Hạ Long cần phát triển sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. Ví dụ, nâng cấp hạ tầng cảnh quan ven biển tạo thành tuyến phố đi bộ, khai thác các điểm nhấn từ trên cao tại núi Bài Thơ, phát triển Bảo tàng sinh thái Hạ Long, kết nối Hạ Long với Vân Đồn, Yên Tử, Bạch Đằng. Đầu tư cảng tàu du lịch quốc tế tại Tuần Châu cùng sân golf, bến du thuyền chất lượng cao và các dịch vụ giải trí có đẳng cấp tại Tuần Châu.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, chính Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh Hà Quang Long cũng thừa nhận, sản phẩm du lịch tại di sản Hạ Long chủ yếu dựa trên các giá trị tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà thiếu các sản phẩm khác để thu hút khách ở lại lâu hơn. Đây là tồn tại rất lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài hệ thống khách sạn và phương tiện vận chuyển khách tương đối lớn, các dịch vụ du lịch còn lại tại đây đều có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao, hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tương xứng tầm vóc, thương hiệu di sản Hạ Long.
"Cần phải có biện pháp tổng thể như quy hoạch, chương trình dài hạn và cấp thiết như có chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư các sản phẩm mà Quảng Ninh đang thiếu để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch để tăng mức chi tiêu, tăng thời gian lưu trú của du khách", ông Long nói.
Đoàn Loan