Trao đổi với VnExpress chiều 9/3, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận tỉnh đã có quy định, quy chế về nhà vườn được ban hành từ năm 2006, nhưng do việc triển khai chậm nên hiện nay khoảng 100 nhà vườn huế bị biến dạng, xuống cấp trầm trọng.
Để cứu nhà vườn, tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND TP Huế chỉ đạo Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn thành phố rà soát, đánh giá lại hiện trạng 150 nhà vườn trong danh mục được bảo tồn để khẩn trương hỗ trợ.
“Vấn đề quan trọng bây giờ là phải thực hiện đầy đủ cơ chế về nhà vườn. Trong đó trú trọng đến việc vận động tất cả hộ dân đăng ký tham gia vào chính sách bảo vệ nhà vườn để người dân có quyền lợi và nghĩa vụ trong việc bảo tồn, phát triển du lịch. Hiện chỉ có 10 hộ đăng ký”, ông Thọ nói.
Nhiều nhà vườn ở Huế đang trong tình trạng cửa đóng then cài vì chủ vườn chưa được thu lợi từ du lịch. Ảnh: Nguyễn Đông |
Để tham gia vào chính sách bảo vệ nhà vườn, người dân phải tự nguyện làm đơn để công nhận đó là nhà vườn, khi đó tỉnh mới hỗ trợ tài chính và các chế độ như tạo điều kiện vay tiền lãi suất thấp để tu sửa…
Đề cập đến vấn đề phát triển du lịch nhà vườn, Phó chủ tịch Thọ nhấn mạnh về nguyên tắc phải xây dựng một tour du lịch nhà vườn, người dân sẽ tham gia vào tour. “Khi du khách đến tham quan, nhà vườn sẽ được hưởng phần trăm từ vé của tour đó và có thêm các dịch vụ tại gia đình như ăn uống, thưởng thức trà...”, ông Thọ khẳng định.
Nhà vườn Huế được đưa vào hoạt động du lịch từ Festival Huế 2000 và nhanh chóng được du khách biết đến với những cái tên nổi tiếng như: An Viên, Lạc Tịnh Viên… Tuy nhiên, khác với cảnh tấp nập du khách như khi mới đi vào khai thác, đến với những tuyến nhà vườn ở Phú Mộng - Kim Long bây giờ là cảnh đìu hiu.
Các chủ vườn lý giải họ bỏ tiền đầu tư, bỏ thời gian tiếp khách nhưng cuối cùng chẳng thu lợi được gì.
Nguyễn Đông