Khác với hệ lịch của người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở mộc châu ăn Tết vào những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, diễn ra trước tết Nguyên Đán khoảng một tháng. Ảnh: Việt Dũng
Cũng vì vậy mà sau thời gian ăn Tết, mùa lễ hội của người Mông dài hơn, với nhiều hoạt động, trò chơi giao lưu phong phú trong suốt mùa hội cho đến sau rằm tháng Giêng mới giảm dần để bắt đầu công việc làm ăn cho năm mới.
Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà miệt mài thêu thùa váy áo mới cho cả nhà. Trẻ con rủ nhau đi chơi khắp nơi trong bản, đàn ông trong nhà tất bật đi mua sắm lợn gà làm mâm cơm Tết thịnh soạn.
Theo phong tục người Mông, mâm cỗ Tết phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.
Khoảnh khắc Giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 Tết, dù là gà nhà ai trong bản.
Vào thời khắc này, mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe những câu chuyện của dòng họ, gia đình, làng bản và cả những câu chuyện buồn vui của một năm đã qua.
Những ngày đầu năm mới, đàn ông Mông thường dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… bởi họ quan niệm rằng, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình họ phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Sáng ra, mọi người từ già trẻ, gái trai đã ăn mặc đẹp, tập trung tại một địa điểm rộng để cùng chơi hội tết.
Khắp các thôn bản rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo và tiếng cười vui của con trẻ.
Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được trưng diện trong dịp này.
Người Mông ở đây cũng quan niệm rằng “năm mới nếu có khách lạ đến chơi nhà dịp Tết sẽ gặp nhiều may mắn”.
Bởi vậy, đến Mộc Châu trong những ngày Tết cổ truyền, ngoài việc được hòa vào không khí vui tươi, những phong tục, nghi lễ và các chơi trò chơi dân gian độc đáo, bạn còn được những chủ nhà hiếu khách mời thưởng thức những món ăn ngon chỉ có trong ngày Tết.