Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh thanh hóa vừa công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành nhà hồ và vùng phụ cận. Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản; kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử đặc biệt của khu vực Bắc Trung bộ…
Vùng bảo tồn Thành nhà Hồ sẽ được mở rộng quy mô lên hơn 5.000 ha. |
Phạm vi lập quy hoạch xác định theo ranh giới di tích được UNESCO công nhận, bao gồm di tích Thành nhà Hồ và các xã lân cận như Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc, thuộc huyện Vĩnh Lộc, với quy mô 5.078 ha.
Trong đó vùng lõi rộng 155 ha, gồm 3 hợp phần của khu di tích là Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Theo Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, tại khu vực này sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa; trải nghiệm các hoạt động văn hóa tâm linh, trò chơi dân gian; dã ngoại, thể thao leo núi; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Về lâu dài, các địa phương sẽ hình thành tuyến du lịch kết nối Thành nhà Hồ với các kinh đô cổ gồm Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long; tuyến du lịch kết nối Thành nhà Hồ với các di sản thế giới khác như cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng, Tràng An, vịnh Hạ Long...
Phối cảnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận. Ảnh: Lê Hoàng. |
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, việc mở rộng quy mô nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, đầu tư, xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo đúng cam kết với UNESCO. Qua đó sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương, tạo cơ hội khai thác thế mạnh, thu hút tối đa nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói riêng.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành còn được gọi là tây đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. |
Xem thêm: Thành lũy bằng đá quý hiếm ở Việt Nam
Lê Hoàng