Quần thể 85 ngôi đền tại thị trấn Khajuraho, bang Madhya Pradesh được các triều đại Chandela xây dựng từ giữa năm 950 đến 1050. Tuy nhiên, đến nay ở đây chỉ còn hơn 20 ngôi đền được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986.
Ấn tượng nhất trong số hình được điêu khắc nổi bên ngoài ngôi đền là tượng nam nữ giao hoan với đủ tư thế như trong cuốn sách Kamasutra nổi tiếng, được viết vào thời ấn độ cổ đại, giữa thế kỷ thứ 4 TCN và thế kỷ thứ 2.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự tồn tại của các bức tượng này. Một số cho rằng kể từ khi các vị vua Chandela đi theo triết lý Tantric đề cao bình quyền nam và nữ, họ đã tạo ra tín ngưỡng của mình trong các ngôi đền được xây dựng.
Các giả thuyết khác lại lý giải, những ngôi đền được coi là nơi tụ tập cũng như thờ phụng, đặc biệt là các tài nghệ, bao gồm cả nghệ thuật làm tình. Một số người tin rằng sự thể hiện các hoạt động tình dục trong đền thờ được coi là điềm tốt vì nó đại diện cho sự khởi đầu và cuộc sống mới.
Việc Ấn Độ giáo có truyền thống coi tình dục là một phần thiết yếu của cuộc sống cũng lý giải các bức tượng nam nữ âu yếm điêu khắc đan xen với các hoạt động khác nhau như cầu nguyện và chiến tranh.
Hiện vẫn chưa có lời giải thích cho việc tại sao các ngôi chùa trang trí công phú lại được xây dựng ở Khajuraho. Sau hàng trăm năm ẩn giấu dưới cánh rừng, những kiệt tác này được đội trưởng Anh TS Burt phát hiện ra năm 1838.
Phụ nữ bản địa thường mang theo hoa tươi và nhang khi đi cầu nguyện. Các tác phẩm điêu khắc phủ mọi bức tường. Ngoài cảnh sinh hoạt tình dục, nội dung của các tác phẩm còn đề cập đến các vị thần, nữ thần, chiến binh, động vật và chim muông.
Không chỉ là kho khảo cổ, ngày nay các ngôi đền ở khajuraho còn là địa điểm du lịch nổi tiếng Ấn Độ.