Dưới đây là những điểm bạn nên dừng chân ở Ninh Thuận
Gốm Bàu Trúc
Bàu Trúc là địa danh nổi tiếng với sản phẩm gốm Chăm, thứ gốm lạ lùng chỉ nung bằng lửa rơm, chẳng cần lò, chẳng cần men, lạ hơn là toàn do phụ nữ nặn vuốt bằng cách đi giật lùi quanh bàn nặn chứ không dùng bàn xoay. Tưởng đã tuyệt duyệt nhưng với sự giao thương và bùng nổ của kinh tế mà khách du lịch, giới nghệ sĩ, các chủ nhà hàng… bỗng nhận ra vẻ đẹp độc đáo, mà từ đó ghé thăm, đặt hàng, giữ lại được cái tên Gốm Bàu Trúc.
Cũng như ở nhiều địa phương khác ở miền Trung và Nam, người Chăm ninh thuận theo chế độ mẫu hệ, vì thế không phải là điều lạ lùng khi thấy những đàn ông Chăm bế con để vợ làm lụng việc nặng. Dạo chơi trong làng Bàu Trúc thú vị ở cảnh xem nặn gốm, ngắm nghía mẫu mã lạ lùng của các loại bình, lọ, đồ mỹ nghệ, nhưng hơi bất tiện ở chỗ gốm là thứ cồng kềnh, dễ vỡ, nhìn món nào cũng thích song thật khó chọn được một món mang về làm kỷ niệm.
Tháp Chăm
Ninh Thuận được biết tới như nơi ít mưa nhất Việt Nam, trời lúc nào cũng khô khát. Cũng như khi đi thăm tháp Pklong Gia Rai, hầu hết các đoàn du khách đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoàn mỹ của tháp, song cũng choáng váng vì bầu trời nắng lửa bao trùm ngọn đồi. Đã mấy trăm năm tháp đứng im lìm dưới nắng như vậy, mang trong lòng biết bao bí ẩn của một nền văn hóa đã từng phát triển rực rỡ nơi này. Tháp Pklong Gia Rai có lẽ xứng đáng được coi là ngọn tháp đẹp vào bậc nhất trong hệ thống tháp Chăm cổ còn lại trên khắp Việt Nam.
Ngọn tháp đẹp bậc nhất trong hệ thống Tháp Chăm cổ ở Việt Nam. Ảnh: Trúc Lâm |
Đồi cát
Kề sát bên thành phố phan rang là đồi cát Nam Cương, tuy không nổi tiếng bằng cồn cát Mũi Né của tỉnh Bình Thuận nhưng lại đẹp ở sự hoang vu, vắng lặng đến không ngờ. Đâu phải ai cũng có thể lên được, bởi phải đi theo những con đường nhỏ, xuyên qua vườn xoài, ruộng lúa, men theo những hàng rào trồng đầy xương rồng gai mới có thể tìm được lối tiếp cận chân đồi cát.
Nhưng đã lên rồi thì phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ ảo do những đường nét vẽ nên từ cát. Những hình khối uốn lượn nhấp nhô về chân trời, đường viền mềm mại, vệt cát chảy được tạo ra từ gió và mưa… lúc nào cũng có sức hút với ống kính máy ảnh. Chẳng phải vô cớ mà lâu lâu lại có vài đoàn nhiếp ảnh tới đây sáng tác, và tác phẩm hay bắt gặp trong các triển lãm chính là cảnh người phụ nữ đội thúng, dắt bò, lũ trẻ tung tăng.. chạy trên đồi cát. Thật ra tất cả đều là sắp đặt, bởi lũ bò chẳng khi nào tự nhiên đi lên đồi cát làm gì, song vẫn mang tới cho cuộc đời những hình ảnh thú vị đậm chất địa phương.
Thành phố Phan Rang
Thủ phủ của tỉnh, thành phố Phan Rang nhỏ nhắn, đi xe máy vài chục phút là biết hết các con đường, ở đó tưởng như không có gì nhiều để khám phá nhưng càng ở lâu càng thấy thú vị. Một hội quán người Hoa tĩnh lặng ngay góc trung tâm, sặc sỡ bích họa ngay ở khuôn cổng. Một tiệm cơm gà đã có tiếng từ trước giải phóng. Một rạp chiếu phim có lẽ 30 năm chưa hề thay đổi. Cái gì cũng nhỏ nhắn, bình lặng, có vẻ không hợp lắm với những đoàn khách trẻ song lại tỏa ra sức hút với những trái tim ưa sự bình yên.
Vịnh Vĩnh Hy
Vịnh Vĩnh Hy, một điểm đến còn rất hoang sợ và lạ lẫm. Ảnh: Trúc Lâm |
Vịnh Vĩnh Hy là một thắng cảnh nổi danh của mảnh đất miền Trung. Bản thân vịnh đã đẹp, cảnh sắc trên đường đi càng thú vị, từ cánh đồng muối trắng ngút ngàn cho tới những xưởng hấp cá cơm tíu tít người làm dưới nắng, rồi những đầm nước in bóng núi đá lô xô. Rất dễ dàng để liên hệ chiếc tàu đáy kính đi thăm vịnh và tha hồ ngắm san hô, cá… trong quá trình tàu di chuyển. Bữa ăn trưa sẽ được phục vụ trên các doi cát với đủ thứ đặc sản biển: ốc, mực, tôm, cầu gai…
Trúc Lâm