Đó là một chuyến đi địa ngục. Điểm bắt đầu của Patrick Joynt, người Anh, ngoài 40 tuổi, ông chủ Saigon scooter Center. 17 năm trước, Pat - tên thân mật của Patrick, tới Việt Nam để lánh khỏi Campuchia.
Sân bay bị phá hủy nên không thể bay sang Bangkok, Pat đến trạm xe buýtnđể bắt xe, chuyến cuối cùng tới Sài Gòn. Chuyến xe là một niềm may mắn, đúng hơn là một định mệnh. Thời điểm năm 1997 đến Việt Nam và không có visa trong tay không phải là điều đơn giản bởi đất nước lúc đó mới bắt đầu mở cửa.
Kho xế cổ của Patrick Joynt.
Tuy nhiên, thật may mắn là Pat được cấp visa nhập cảnh khẩn cấp, được phép lưu trú lại ở đồn cảnh sát và cuối cùng có được visa chính thức dưới dạng du lịch.
Làm gì sau khi vừa trải qua một kinh nghiệm đau đớn? Thư giãn, hít thở không khí và uống thật nhiều cafe Việt Nam. Sài Gòn của 2014 khác hoàn toàn Sài Gòn 1997. Khi đó, xe máy cổ xuất hiện trên mọi góc phố, người người đi xe máy , rất ít ôtô, với bầu không khí trong lành, cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều.
Không lâu sau khi đến Việt Nam, khi đang ngồi nhâm nhi một cuốc bia, Pat đưa ra lời trả giá đùa cho một chiếc Lambretta SX200 đời 1966 với giá 200 USD. Thật bất ngờ là lời đề nghị được chấp nhận. "Kể từ đây, tôi đã gắn bó với nghề", Pat nhớ lại.
"Tôi yêu Sài Gòn, khi những chiếc xe ga cổ điển chạy hàng ngày, lái xe chạy quanh thành phố thật thú vị, và còn thú vị hơn nữa khi ra khỏi Sài Gòn để khám phá những địa điểm du lịch mà người nước ngoài chưa biết tới. Đó là một thế giới khác".
Nếu ai đó may mắn, họ sẽ tìm ra những giây phút "eureka" để thay đổi cuộc đời.
Khi 13 tuổi, Pat sở hữu chiếc scooter đầu tiên của mình, là chiếc Vespa P200 đời 1970. Ông mua bộ sách hướng dẫn sửa chữa của Haynes và bắt đầu mày mò, làm mới chiếc scooter của mình vào mùa đông năm đó. Dần dần, Pat trở thành người được biết đến nhiều trong nghề sửa chữa scooter tại Anh những năm 80 và trải qua 10 năm hoạt động ở Anh và châu Âu. Để có tiền có những chuyến đi, Pat phục hồi xe của bạn và bắt đầu mua bán những xe có thể khi đi qua các nước châu Âu. Vì vậy khi tới Sài Gòn và nhìn thấy lượng scooter trên đường, Pat nghĩ rằng đây sẽ là mỏ vàng khổng lồ.
"Khi tôi đến nơi đây đã hình thành sẵn thị trường, nhưng không ai khai thác", Pat giải thích. "Có một vài cửa hàng địa phương sửa những chi tiết nhỏ, nhưng không ai có thể phục hồi về một mẫu xe nguyên bản". Pat bắt đầu tìm những thợ có tay nghề, đào tạo và dần trở thành những thợ chính đảm nhiệm nhiều việc khó. Pat mua 2 chiếc scooter và xuất khẩu thử, bởi khi đó, để xuất khẩu một chiếc xe ra khỏi đất nước có thể mất tới vài tháng. Tuy nhiên ông biết rằng ở châu Âu, lượng scooter cổ đã khá hiếm và người chơi xe muốn tìm nhiều nguồn khác. Và Pat đã ở đúng nơi, đúng thời điểm.
Pat (áo đen) và những người bạn chung niềm đam mê scooter cổ.
Trong những năm 1960, Sài Gòn vẫn là một thành phố giàu có, hoa lệ và scooter được nhập nhẩu, từ những chiếc giá cả phải chăng như Vespa tới giá cao hơn vào lúc bấy giờ, như những chiếc Mobylette. Scooter là phương tiện giao thông chính. Những năm 90, xế cổ dành cho người nghèo. Một số nhà sưu tập giữ lại, nhưng thế hệ trẻ thì thích chạy chiếc xe hiện đại 2.000 USD hơn là chiếc Lambretta chỉ 200 USD.
Pat nhớ lại, "Có một ông cụ với chiếc Lambretta đời 1955 nhưng không chịu bán dù tôi trả giá cao bao nhiêu. Sau khi ông qua đời, người con trai chỉ giữ được 3 tháng rồi bán xe, đó là tâm lý chung của người trẻ những năm 2000".
Khi được hỏi về một số nhà sưu tập xe đáng nhớ đã gặp, Pat kể "Tôi đã mua một bộ sưu tập 28 xe vào năm 1998. Anh chàng này sở hữu 50 chiếc gồm có xe quân đội Pháp những năm 1930, Harley và nhiều thương hiệu khác. Tôi theo anh ta suốt nhưng anh ấy không bán. Mãi cho tới khi bị ốm, anh ta bán cho tôi 28 chiếc, trong đó có cả chiếc thuộc loại nhảy dù vô cùng hiếm. Tôi đã may mắn khi sở hữu được một kho tàng từ người đam mê thực sự".
Xe scooter nhảy dù là những chiếc được quân đội Pháp đưa vào Việt Nam bằng cách thả dù những năm 50 để phục vụ việc di chuyển và cung cấp thông tin khi mọi tuyến liên lạc bị cắt đứt.
Pat nhận định, thông qua giới truyền thông, phong trào chơi xe cổ dần trở lại trong khoảng 7-8 năm qua, bằng chứng là có ngày càng nhiều các câu lạc bộ chơi xe. Song song với đó, có ngày càng nhiều những cửa hàng sửa chữa, phục chế scooter cổ. Về phần mình, Pat đang phát triển những chương trình mới cho người chơi Scooter, điển hình là Lambretta chạy điện với khoảng cách chạy tới 50 km và thời gian sạc 2,5 giờ.
Trong suốt chừng ấy năm làm nghề phục chế scooter cổ để bán cả ở Việt Nam và sang châu Âu, Pat cũng sở hữu cho mình những mẫu xe độc yêu thích nhất, bao gồm Lambretta D và Vespa GS 160, một trong 6 chiếc còn ở Việt Nam hiện nay.
Dàn xế cổ của Patrick Joynt
Ảnh: Dave Lemke
Nguồn: vnexpress.net
Nguồn: vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm: