Phiên chợ họp vào thứ bảy hàng tuần ở lưng chừng con dốc Cán Chư Sử, thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, Lào Cai. Từ sáng sớm, người dân khắp vùng trong huyện và các xã ở Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát đổ dồn về đây, ngay cả đồng bào ở huyện Sín Mần, Hà Giang và người Trung Quốc cũng sang.
Chợ là ngày hội của huyện Si Ma Cai và các vùng lân cận. Ảnh: sgtt |
Sau tháng 10 khi mùa vụ đã thu hoạch xong, nhà nào cũng có vài ba người đi chợ. Không chỉ người lớn mà cả trẻ em và người già cũng đến, khiến phiên chợ đông như trẩy hội. Điều đặc biệt là ở chợ Cán Cấu, ngoài du khách dưới xuôi và “Tây ba lô”, phần lớn người tham gia là người Mông và người Giáy, nhưng chợ lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao.
Chợ cán cấu được chia thành ba khu vực, trong đó khu rộng nhất là nơi bán gia súc. Mặc dù bán cả bò, dê, ngựa nhưng nhiều nhất ở đây là trâu. Do đó, chợ Cán Cấu được gọi là chợ trâu. Trái ngược với hình dung về một khu chợ gia súc tự phát ồn ào lời qua tiếng lại, kỳ kèo mặc cả, du khách đến với chợ trâu Cán Cấu chỉ nghe thấy âm thanh rì rầm thương lượng và đánh giá trâu của người mua.
Những con người miền ngược vốn chân chất, thật thà nên người bán không hét giá, người mua mặc cả để lấy may. Chủ trâu và khách hàng chỉ nói đủ cho nhau nghe. Trước khi mua, khách thường xem xét rất kỹ càng, tỉ mỉ từng con trâu đem bán. Những con trâu được chọn thường chân to, khỏe, sống lưng chắc, đôi sừng mở rộng và bụng thon như hình cá trắm.
Khu chợ trâu chủ yếu tập trung đàn ông mua và bán. Ảnh: vcn |
Giá mỗi con trâu ở chợ Cán Cấu dao động từ 6 đến 20 triệu đồng, tùy thuộc vào trâu đen hay trâu trắng, đực hay cái, đẹp mã hay không và mua về để cày hay lấy thịt. Là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, mỗi phiên chợ có đến gần trăm con trâu được mua và bán. Do đó, rất ít người mua trâu phải ra về tay không.
Khi cuộc trao đổi đã hoàn tất, cả chủ lẫn khách cùng kéo nhau đến bên nồi thắng cố đang tỏa khói nghi ngút, nhấp môi chén rượu Si thơm nồng. Hết phiên chợ những con trâu mua được đeo trên cổ chiếc chuông nhỏ bằng đồng hình lá thông, ngoan ngoãn theo chủ mới về bản. Mỗi bước đi lại vang lên tiếng nhạc vui rộn cả quãng đường.
Tuy không nổi tiếng như khu chợ trâu nhưng khu hàng ăn và nông sản địa phương, vật dụng gia đình rất được du khách yêu thích. Người dân địa phương gọi vui hai khu chợ này là dành cho phụ nữ, bởi đàn ông đi chợ Cán Cấu chủ yếu là để mua bán trâu hoặc ăn thắng cố.
Khu bán đồ nông sản nổi bật với màu đỏ của những chùm ớt chín. Ảnh: vietnamnay |
Ấn tượng nhất ở khu chợ này là màu sắc sặc sỡ của những chiếc váy Mông được bày bán. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt thấy những hoa văn thêu và trang trí cầu kỳ đến từng chi tiết. Có những chiếc váy làm thủ công, mất cả năm trời mới thành hình, nên sẽ không có gì là lạ khi giá được bán lên đến cả triệu đồng. Bên cạnh đó, du khách cũng rất dễ bị cuốn hút bởi những sạp hàng trang sức với đủ loại vòng, xuyến, hoa tai chạm khắc tinh xảo và đẹp mắt.
Ở khu hàng ăn, ngoài thắng cố và rượu ngô, chợ còn có rất nhiều hàng ăn hấp dẫn. Có món giống như phở dưới xuôi, nhưng bánh có màu ngăm đen, có thể ăn với thịt lợn luộc hoặc chan nước dùng được hầm từ xương. Ngoài ra là rất nhiều loại bánh làm từ bột ngô, sắn, nếp.
Như nhiều chợ phiên khác, chợ Cán Cấu còn là dịp để hẹn hò đôi lứa và trò chuyện bạn bè. Họ không đến chợ với mục đích mua bán mà chủ yếu để mua vui và giao lưu tình cảm. Bởi thế, chợ Cán Cấu không chỉ đơn thuần là giao thương mà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Bắc.
Vy An