Di tích lịch sử quốc gia ao bà om đang trơ đáy. Ảnh: Cửu Long |
Nắng hạn gay gắt nhiều tháng qua khiến nước trong Ao Bà Om - danh lam thắng cảnh độc đáo của tỉnh trà vinh , cạn kiệt, trơ đáy, đất nứt nẻ. Cá, hoa sen, hoa súng trong ao chết sạch. Trước tình trạng này, nhiều du khách đến đây cảm thấy thất vọng vì di tích này không còn vẻ đẹp vốn có.
"Đến Trà Vinh, tôi đều tới Ao Bà Om tham quan, thụ hưởng không khí mát lạnh trong lành từ hơi nước bốc lên và rừng cây xung quanh. Nhưng giờ không còn cảm giác đó nữa vì ao trơ đáy, đầy rác thải", anh Nguyễn Hoàng Quân, khách du lịch đến từ Cần Thơ, tiếc nuối.
"Để cứu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng này, chúng tôi đang có đề án chỉnh trang, nạo vét, chờ cấp thẩm quyền phê duyệt", ông Trần Thanh Thưởng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết.
Ao Bà Om được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Nơi đây hàng năm diễn ra các lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer như Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok…
Ao Bà Om có hình chữ nhật, rộng 300 m, dài 500 m. Trước đây mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi các loại hoa sen, hoa súng, rất nhiều cá sinh sống. Ao được bao bọc xung quanh bởi các gò cát mấp mô với rừng cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên mặt đất tạo nên những hình thù kỳ lạ.
Nhiều nơi ở đáy ao khô nứt nẻ. Ảnh: Cửu Long |
Theo truyền thuyết, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng đồng bào Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm nam và nữ, bên nào thua sẽ phải đi hỏi cưới phái kia. Phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam.
Khi đào gần xong, phái nữ cho thả đèn lồng ở phía Đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm. Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích. Ao của nhóm nữ được đặt theo tên của bà Om.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch 'vương quốc dừa sáp' Trà Vinh
Cửu Long