tung lò mò được người Việt quanh vùng châu đốc đọc chệch từ tiếng Chăm là “tung lamaow” nghĩa là ruột bò. Người Chăm Islam Châu Đốc kiêng cữ thịt heo nên thịt bò là món ăn chủ yếu và phổ biến trong các dịp lễ theo nghi thức tôn giáo.
thánh đường chăm islam ở An Giang. Ảnh: Panoramio. |
Vào đến khu vực người Chăm sinh sống ở Châu Đốc, du khách sẽ thấy trước sân nhà phơi đầy dây cuộn dài trên những cây sào hay sạp gỗ tre màu đỏ sẫm. Đó chính là món tung lò mò nổi tiếng của người Chăm.
Tung lò mò có hai loại, loại chua và không chua. Loại chua được bỏ thêm cơm để tạo hèm cho vị chua nhẹ nên có mùi và vị rất lạ miệng. Loại không chua dành cho những du khách không quen khẩu vị.
Vào lúc sáng tinh mơ, các bà các mẹ người Chăm tranh thủ ra chợ mua về những miếng thịt bò tươi ngon, sau đó sắt nhỏ và bằm lại cho đều rồi trộn với phần mỡ bò. Tiếp đến đem trộn với hỗn hợp gia vị như tiêu sọ, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị đặc trưng bí truyền của người Chăm, rồi nhồi vào phần ruột bò được làm sẵn và đem phơi nắng trên những sạp tre trong khoảng một ngày nắng là có thể dùng được.
Bởi thế, ngay từ sáng sớm, khắp làng Chăm đã vang những âm thanh nhộn nhịp, cười đùa của các gia đình làm tung lò mò. Buổi tối trong không gian tụ họp xum vầy với khí trời se se lạnh, mọi người lại ngồi quanh bếp lửa hồng nướng tung lò mò, vừa ăn vừa trò chuyện. Đó là những nét đẹp thanh bình, êm dịu của một dân tộc hiền hòa mến khách vùng sông nước Cửu Long.
Cô gái Chăm An Giang. Ảnh: tintucdulich. |
Tung lò mò được cắt khoanh nhỏ để lên vỉ, nướng trên bếp than, hương thơm tỏa ngào ngạt. Khi vừa chín tới, đem xuống cắt nhỏ rồi gắp một miếng đang nóng hổi chấm với nước tương, ta sẽ cảm nhận được đủ dư vị lạ trong miệng. Từ mùi thơm của thịt bò nướng, vị béo bùi của mỡ bò, vị chua nhẹ của lạp xưởng đến vị ngọt, mặn, cay của nước tương hòa cùng mùi thơm của rau quế, hơi cay xé của hạt tiêu sọ, tất cả tạo nên hương vị độc đáo và thú vị.
Không riêng người Chăm, người Việt, người Khmer ở đây ai ai cũng bị mê hoặc bởi món ăn lạ miệng và độc đáo này. Du khách thưởng thức một lần sẽ không thể nào quên mùi vị khác biệt của nó, đúng như câu tục ngữ mà ông bà ta thường hay nói “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”.
Bà mẹ Chăm đang phơi tung lò mò. Ảnh: Vy Thái. |
Sau khi thưởng thức đặc sản tung lò mò du khách có thể chọn cho mình thức uống giải khát là một ly nước thốt nốt đặc trưng mà không vùng miền nào có được. Thốt nốt được chẻ ra lấy lớp cơm trắng bên trong sắc nhỏ cho vào ly, thêm ít đường cát và một ít đá xay nhuyễn nên nước ngọt dịu, thoang thoảng hương thơm tự nhiên.
Ngày nay, món tung lò mò đã vượt ra ngoài khu vực Châu Đốc, An Giang và phổ biến ở nội thành Sài Gòn. Với những du khách chưa có dịp ghé chân An Giang thì có thể tìm mua cho mình vài ký tung lò mò đậm sắc người Chăm Châu Đốc trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1 với giá 180.000/kg, do chính người Chăm An Giang chế biến và bày bán.
Putra Jatrai