Năm nào gia đình chị Minh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đi chùa Hương từ mùng 4 Tết, sau đó lên Tuyên Quang đi đền ông Hoàng Bảy và rải rác các chùa ở Hà Nội cho đến hết tháng Giêng. Đến mỗi đền chùa, gia đình chị đều sắm sửa lễ chay, lễ mặn, tiền vàng tốn cả triệu đồng.
Chị Minh cho biết, hành hương lễ phật đầu năm đã là thói quen của gia đình chị, dù vợ chồng là công chức song vẫn siêng năng đi lễ cầu an. Tuy nhiên, năm nay, chị Minh cho hay, gia đình chỉ đi một số chùa gần xung quanh Hà Nội.
"Đi đến đâu chúng tôi cũng bị chặt chém, từ viết sớ cho đến mua chai nước giá cao gấp 5 lần ở Hà Nội. Đi chùa Hương phải chờ đợi và chen lấn tại khu vực cáp treo tới 3-4 giờ. Sau mỗi chuyến đi, cả gia đình đều phờ phạc, mệt mỏi", chị nói.
Hành hương lễ chùa đầu năm là một phong tục đẹp. Ảnh: Bá Đô. |
Chị Thu Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng chia sẻ, ngày mùng 6 Tết vừa qua, gia đình chị bị "chém đẹp" ở đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Chị chỉ mua mấy cành vàng lá ngọc mà bị "chém" tới hơn một triệu đồng, chưa kể mua đồ ăn kém chất lượng mà giá lại cao.
Trên nhiều diễn đàn, topic đi lễ chùa Hương, Yên Tử khá sôi động. Nhiều chị em lập nhóm du xuân cũng như cùng chia sẻ kinh nghiệm thuê xe, mua tour, giá dịch vụ tại các điểm tham quan, để tránh bị "chặt chém".
Nickname Mergi viết: "Tốt nhất là đợt này các bạn không nên đi vào chủ nhật, đi vào ngày thường thôi. Vé mua rồi thì nhớ cầm trong tay, không đưa cho ai hết. Mang xôi với gà đi cúng đền Trình (chùa Hương), lên đò ngồi thì xẻ ra thụ lộc, khỏi cần mua bán gì. Leo chùa Hương bây giờ dễ đến 9 phần rồi, không phải đi cáp treo đâu. Đi lên mệt một tí, nhưng đi xuống nhàn vô cùng..."
Còn nickname Evitco chia sẻ: "Chịu khó mang đồ ở nhà đi, hoa quả và nước là 2 thứ không thể thiếu. Đò 70.000 đồng, vé 50.000 đồng một người, còn lại là xe đưa đón. Đừng nên ăn tại đó, hầu như 100% quán hàng và sản phẩm đắt gấp đôi thậm chí 5 - 6 lần ở ngoài mà lại chẳng ra gì".
Lo ngại phải chen lấn đông đúc tại các chùa chiền lớn, không ít chị em chọn đền chùa không mấy nổi tiếng để chiêm bái và vãn cảnh. Chị Thúy (huyện Từ Liêm) cho biết, nhóm bạn của chị lên kế hoạch du xuân tại chùa Mía, chùa Thầy, chùa Trăm Gian ở ngoại thành Hà Nội hoặc sang lễ đền Mẫu ở Hưng Yên, đền Mẫu ở Tây Thiên.
Trên diễn đàn, nickname Bee nhận xét: "Đền Mẫu Hưng Yên chưa được nức tiếng như đền ông Hoàng Bẩy nhưng đúng thật là đã giúp nhiều người đạt được điều họ cầu, dù vẫn biết những điều đó là do chính họ tự tạo ra. Hy vọng đền Mẫu sẽ không bị dân chúng biến thành đền bà Chúa Kho để người đi lễ không chỉ có cầu mà còn thưởng ngoạn vẻ đẹp phố Hiến xưa".
Nhiều thành viên cũng cho rằng, để không phải lo lắng về giá dịch vụ trong mùa cao điểm, người đi lễ nên đăng ký tour trọn gói vì sẽ yên tâm việc ăn, ở đi lại và chuyên tâm cho chuyến hành hương đầu năm.
Trao đổi với VnExpress, đại diện một hãng lữ hành cho rằng, khách đi tour được yên tâm về nơi ăn ở, không phải chờ đợi cáp treo hay đò thuyền như những người đi lẻ vì các công ty du lịch đã hợp đồng với đối tác cung cấp dịch vụ tại lễ hội . Tuy nhiên, năm nay do kinh tế eo hẹp nên phần lớn du khách đặt tour ngắn 1-2 ngày, nhìn chung lượng khách không tăng hơn các năm trước mặc dù giá không cao.
"Đông nhất vẫn là các danh thắng nổi tiếng như Yên Tử - Cửa Ông, chùa Hương, còn là đền chùa khác thì khá vắng khách. Để tránh phải chen lấn, du khách đi tự do nên chọn những ngày giữa tuần hoặc cuối tháng giêng", vị này nói.
Phó giám đốc một hãng lữ hành khác cũng nhận định, do đời sống kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình giảm chi phí du lịch lễ hội, hoặc đi xe nhà mà không mua tour của công ty du lịch. Lượng xe hợp đồng được huy động vào dịp này cũng không nhiều, khác với mọi năm thường "cháy xe".
"Bản thân tôi đã đi lễ chùa một số nơi từ Tết ra, thấy người dân đi lễ chùa thưa thớt hơn các năm trước, chỉ đông hơn vào ngày cuối tuần. Người đi lễ năm nay không phải chen chúc, trừ một số ngày khai hội", ông này bày tỏ.
Để tăng lựa chọn cho du khách, các công ty lữ hành cũng mở nhiều tour hành hương khác thăm đền Mẫu Tuyên Quang, đền Mẫu Lạng Sơn, Mẫu Hưng Yên, đền Thượng Sapa...
Theo tư vấn của hãng lữ hành, du khách hành hương phải đi bộ và leo núi nhiều nên cần mang giày đế mềm có độ bám tốt để tránh trơn trượt. Trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi, đồng thời phải lịch sự, kín đáo để hợp với đền chùa linh thiêng. Nên cẩn thận khi sử dụng dịch vụ mang vác hành lý thuê, phải đi kèm thật chặt để tránh bị mất cắp. Chỉ sử dụng dịch vụ của những người có thẻ hành nghề do Ban quản lý di tích cấp. Đối với dịch vụ bán hàng rong, mỗi nơi bán một giá khác nhau, khách mua nên trả giá xuống 70%, nếu không mua phải kiên quyết từ chối nếu không muốn bị đeo bám đến cùng. Tại khuôn viên đền chùa, không đổi tiền lẻ của những người mời chào vì sẽ mất phí. Tốt nhất là chuẩn bị sẵn tiền lẻ để bỏ hòm công đức. Tuyệt đối không chụp hình tại các gian thờ, tượng Phật. Sau Tết khách đi rất đông nên đeo túi nhỏ đựng đồ dùng cần thiết ở phía trước, không đeo sau lưng vì rất dễ bị kẻ gian móc. Đối với những du khách ăn cơm chay, phải bổ sung thêm sữa để đảm bảo sức khỏe. Người cao tuổi và trẻ em nên hạn chế các hoạt động leo núi. |
Đoàn Loan