Khu du lịch (KDL) King Palace - dinh 1 đà lạt vừa thông báo điều chỉnh tăng giá vé từ ngày 1/1/2017. Giá vé người lớn từ 30.000 đồng lên 150.000 đồng. Giá vé trẻ em (cao dưới 1,2 m) tăng từ 20.000 đồng lên 120.000 đồng.
Giá vé bao gồm tham quan, các dịch vụ chụp hình với ngựa, xe ngựa, tượng sáp vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, chụp hình hóa trang vua chúa, trò chơi bắn cung, đánh golf, và hóa trang tại lô cốt.
Trước việc giá vé tăng gấp 5 lần so với trước đây, nhiều du khách và đơn vị lữ hành bất ngờ, cho rằng giá này là cao so với mặt bằng chung dinh Bảo Đại ở nhiều nơi.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Thái Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh - Tiếp thị Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt (đơn vị đầu tư và khai thác du lịch ở Dinh 1) cho biết, giá 150.000 đồng không phân biệt khách Việt hay khách nước ngoài là hình thức giá trọn gói, bởi các dịch vụ ở KDL vừa mới hoàn thành, được đầu tư lớn như bắn cung, đánh golf, xe ngựa.... chứ không đơn thuần là vé vào cổng. Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh, tham quan và nghe thuyết minh các di tích, hiện vật, du khách có thể tham quan và sử dụng nhiều dịch vụ hơn, không bị giới hạn thời gian. Hình thức vé tham quan trọn gói đã phổ biến ở các KDL như thác Dambri (Bảo Lộc), Vinpearland (Nha Trang), Bà Nà Hill (Đà Nẵng), Suối Tiên (TP HCM).
Một biệt thự trong khuôn viên Dinh I, trước đây vua Bảo Đại dùng làm nơi thết đãi khách mời. Ảnh: Khánh Hương. |
Ông Hoàng Ngọc Huy, trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lâm Đồng) cho biết, mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ khi điều chỉnh giá vé tham quan, phí dịch vụ đều thực hiện quy trình gửi hồ sơ lên Sở Tài chính. Nếu các trường hợp cần Sở VH-TT-DL góp ý, Sở Tài chính sẽ mời tham gia. "Trường hợp của Dinh 1, chúng tôi chưa can thiệp. Nếu khi thực hiện mà du khách phản ánh, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình liên quan".
Dinh I nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 4 km về hướng đông nam, trên đồi thông có độ cao 1.550 m, được thiết kế theo kiến trúc Pháp. Dinh được triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery xây năm 1929. Sau đó, vua Bảo Đại mua lại và biến thành tổng hành dinh trong thời gian ông làm quốc trưởng (1949-1955). Ngoài việc cho khách tham quan, đơn vị đầu tư đang xây dựng mới khu nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích rừng cảnh quan với khu khách sạn từ 150 đến 200 phòng, khu nhà hàng hội nghị 500- 800 chỗ và 27 căn biệt thự tiêu chuẩn 5 sao.
Xem thêm: Khuôn viên thơ mộng trong dinh vua cuối cùng Việt Nam