Một công trình kiến trúc độc đáo
Theo bước thăng trầm của quá trình “lịch sử ngôi chùa”, ban đầu chùa được xây dựng bằng vật liệu tre lá, sau đó theo từng giai đoạn được tôn tạo, sửa chữa, trùng tu bằng gạch và lợp mái bằng ngói. Gần đây nhất là lần trùng tu từ năm 2007 đến 2009, sau khi xảy ra trận hỏa hoạn làm cháy gian chính điện của chùa. Lần trùng tu lớn này tổng kinh phí lên tới hơn 4 tỉ đồng.
Qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, sửa chữa lớn nhưng chùa vẫn đảm bảo kiến trúc nghệ thuật cũ với những mái vòm cong và đỉnh tháp nhọn vốn là nét mỹ thuật rất độc đáo của ngôi chùa có từ hàng trăm năm trước. Theo sư trụ trì Kim Rêne, việc trùng tu hay xây dựng chi tiết chùa đều do chính những bàn tay khéo léo của các sư sãi nơi đây thực hiện, chứ không hề thuê mướn thợ bên ngoài về làm.
Chính vì thế nên thời gian sửa chữa, trùng tu chùa kéo dài qua nhiều năm tháng bởi các sư sãi là những người thợ không chuyên. Nhưng thời gian không quan trọng, mà vấn đề là phải đảm bảo chính xác, không làm sai lệch lối kiến trúc cũ mà những người thợ tài hoa ngày trước đã để lại.
Đứng ở xa, du khách đã có thể nhìn thấy chùa Dơi nổi bật trên nền cây xanh bởi lối kiến trúc và màu sắc trang trí khá cầu kỳ, độc đáo. Mái chùa gồm 2 tầng lớp ngói màu, trên mái còn bố trí nhiều tháp nhỏ. Những đầu mái phía đầu hồi được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga uốn lượn hướng về tâm tháp cao vút trên đỉnh chùa.
Khi tiếp cận ngôi chùa, du khách sẽ nhìn thấy hành lang bao quanh chùa được thiết kế một hàng cột với các tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực và nụ cười huyền bí như một thứ ngôn ngữ không lời đón chào du khách thăm viếng.
Bước vào chính điện, chùa có đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5m, ngự trên một tòa sen cao khoảng 2m, xung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, mang phong cách dân gian. Các bức tranh được thể hiện logic, liên tiếp nhau miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn.
Ngoài gian chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố cùng nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường... Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Dơi cũng là nơi hiện lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây buông (cùng họ với cây thốt nốt). Đây là loại kinh cổ mà người Khmer Nam bộ tôn thờ như báu vật. Cũng theo trụ trì Kim Rêne, thì thời xa xưa do điều kiện vật chất thiếu thốn, không có giấy mực để ghi chép kinh Phật nên các sư sãi đã sáng tạo bằng cách sử dụng những thứ có sẵn từ thiên nhiên để chép kinh.
Và lá cây buông có bề mặt rộng lớn, dài, có thể bảo quản hàng trăm năm mà không bị hư hại nên được các nhà sư dùng làm vật liệu ghi chép kinh Phật để lưu giữ tại các chùa mà không sợ hư hỏng. Ngoài các bộ kinh Phật, chùa Dơi hiện cũng còn lưu giữ những hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ rất độc đáo.
Phía bên trong nhà chính điện mới được trùng tu có một hồ nước, xung quanh bờ được kè bằng đá, trên bờ là cây, ghế đá. Ban ngày, mặt hồ tĩnh lặng, chỉ lăn tăn sóng khi có những đợt gió. Khi màn đêm buông xuống, mặt hồ bắt đầu chuyển động dưới ánh đèn mờ ảo... Lúc này, cá dưới hồ mới bắt đầu đi kiếm ăn. Cá ngoi lên bờ đớp nước như xin thức ăn của khách tham quan.
Khách viếng chùa đứng trên bờ vỗ tay, những chú cá dạn người sẽ ngoi lên và tranh nhau đớp mồi khi được khách cho ăn. Nằm giữa một không gian cây xanh rộng lớn, có diện tích khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt… là những cây trái đặc trưng của vùng đất sông nước Cửu Long, chùa Dơi còn nổi tiếng với một đàn dơi lên tới hàng vạn con cư ngụ. Và cũng chính vì điều này nên mới có tên gọi Chùa Dơi và tên này đã lưu truyền trong dân gian từ rất lâu để gắn với hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên là bầy dơi “đi tu”.
Thực hư chuyện đàn dơi không ăn trái chín của chùa?
Về đàn dơi nổi tiếng ở chùa Dơi với số lượng thường xuyên có hàng vạn con, lúc cao điểm tăng lên cả triệu con không biết đã hiện diện ở chùa Mã Tộc từ khi nào, phát triển bầy đàn theo thời gian ra sao. Nhưng theo Thượng tọa Kim Rêne kể, lúc ông còn nhỏ vào tu ở chùa đã thấy rất nhiều dơi. Đây là loài dơi quạ (tên khoa học là Flying fox). Ban ngày chúng treo mình khắp nơi trên trần chùa, ngoài vườn cây quanh chùa để ngủ li bì, khi chạng vạng tối, bầy dơi túa ra đi tìm thức ăn, chúng từ chùa bay ra đen kín cả một khoảng trời đến vài tiếng đồng hồ mới hết bầy.
Và theo quy luật, trời vừa tạng sáng bầy dơi lại bay về đậu kín các hàng cây trong khuôn viên chùa. Do số lượng dơi ở đây rất nhiều nên phải mất đến vài tiếng đồng hồ chúng mới đáp xuống hết các ngọn cây. Thức ăn của dơi là trái cây chín, có vị ngọt và thơm, dơi đánh hơi mùi thơm trái chín là tìm tới “chén”. Nhưng đặc biệt bầy dơi của chùa chịu khó bay đi tìm thức ăn ở rất xa, quanh vùng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu - nơi có những vườn trái cây bạt ngàn để kiếm ăn chứ tuyệt đối không ăn trái cây ở vườn chùa hay của nhà dân quanh chùa.
Mặc dù khuôn viên của chùa rộng hơn 3 ha, có rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... một lượng trái cây chín theo mùa rất dồi dào nhưng đàn dơi không bao giờ đụng tới. Lũ dơi con mới đẻ, sải cánh đã dài 50cm; dơi trưởng thành thì sải cánh lên tới 1,5m, bầy dơi ở chùa có sải bình quân từ 1 - 1,2m thì rất nhiều, còn khoảng 70-90cm thì nhiều vô số kể, bởi đây là dơi lứa. Dơi ở đây nặng trung bình khoảng 1kg/con, có con nặng tới 1,5kg. Tập tính của loài dơi là ngủ ngày, ăn đêm nên ban ngày chúng treo mình trên các cành cây ngủ ngon lành.
Điều rất đặc biệt, bầy dơi đông chục ngàn con nhưng những con dơi ở chùa rất nhớ vị trí ngủ của mình, nó đã ngủ ở đâu thì sau đêm miệt mài kiếm ăn, sáng ra vẫn bay về đúng vị trí đó treo mình đánh giấc trong sự thanh tịnh của ngôi chùa cổ kính. Vài năm trở lại đây, đàn dơi giảm mạnh. Theo ước tính của Thượng tọa Kim Rêne, đàn dơi hiện chỉ bằng 20% của những năm 90 của thế kỷ trước.
Nguyên nhân là do khi dơi đi kiếm ăn đã bị con người giăng lưới bắt để làm thịt nhậu, bán cho các nhà hàng ăn uống vì dơi đã trở thành “đặc sản” quý hiếm, lại được giá nên dơi chùa cũng không tránh khỏi họa “diệt chủng” bởi sự đánh bắt vô tội vạ của người hám lợi. Trung bình một năm, đàn dơi ở chùa Dơi sinh sản được 1.000 con nhưng vẫn không đủ bù đắp số lượng bị đánh bắt.
Theo dự đoán, với tốc độ săn dơi như hiện nay nếu không bị ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa đàn dơi ở chùa nói chung và dơi trong thiên nhiên số lượng sẽ chẳng còn bao nhiêu.
Trường Giang
Có thể bạn quan tâm: