Khoa học chỉ ra rằng, con người chúng ta ngày càng cao lên, to ra và sống lâu hơn so với trước kia. Quá trình biến đổi này đã kéo dài cả trăm năm nay.
Thực chất đây không phải là kết quả của quá trình biến đổi gene mà là do sự thay đổi của cơ thể để thích nghi với tác động của biến đổi bên ngoài - như chất dinh dưỡng, sự phân phối thực phẩm, chăm sóc sức khỏe. Dưới đây là một vài thay đổi của loài người trong thế kỷ qua.
1. Loài người đã trở nên cao lớn hơn
Một nghiên cứu khoa học ở Anh mới đây đã chỉ ra rằng, chiều cao của thanh niên ở Anh đã tăng 10cm kể từ đầu thế kỉ XX. Một nghiên cứu khác cho thấy vào đầu thế kỷ XX, chiều cao trung bình của nam giới độ tuổi 20 ở Anh là 1,68m, hiện tại họ đạt đến chiều cao trung bình là 1,78m. Sự gia tăng này chủ yếu là do cải thiện về dinh dưỡng, dịch vụ y tế.
Theo nghiên cứu của John M.Komlos - một giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Duke, không chỉ nước Anh mà chiều cao trung bình ở các nước phát triển khác cũng tăng lên.
Người dân Hà Lan có chiều cao trung bình 1,85m - cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, với chiều cao 1,77m người dân Mỹ đã từng là những người cao nhất thế giới thời kỳ Thế chiến thứ II, nay vẫn giữ nguyên, không thay đổi.
2. Con người trở nên béo hơn
Từ thập niên 1970, giáo sư nhân chủng học Bogin thuộc Đại học Loughborough đã nghiên cứu về đặc điểm phát triển của trẻ em Maya và gia đình của chúng tại Guatemala và Mỹ.
Khi người Maya chuyển đến Mỹ, đứa trẻ họ sinh ra chỉ dài khoảng 11,4cm, cao hơn những người anh em được sinh ra ở Mexico hay Guatemala của chúng. Đây là kết quả của chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe tốt ở Mỹ. Thế nhưng để có được chiều cao như người Mỹ, những đứa bé Maya này phải đánh đổi bằng cân nặng, chúng có xu hướng thừa cân, béo phì.
Vậy vì sao con người ngày càng trở nên béo hơn? Một vài nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc ăn quá nhiều nhưng vận động ít là nguyên nhân chính. Số khác phụ thuộc vào gene; một số loại virus có liên quan đến béo phì cũng là tác nhân chủ yếu.
Khi nghiên cứu nhóm trẻ Maya ở Florida, giáo sư Bogin nhận định, khi thế hệ bà và mẹ bị mắc chứng thừa cân và béo phì, thế hệ con cũng rất dễ mắc phải.
Thêm vào đó, do hoàn cảnh sống trước đó khó khăn nên khi chuyển sang môi trường sống mới tốt hơn, người Maya quan niệm ăn nhiều nhất có thể, do đó cơ thể phải lưu trữ thêm rất nhiều năng lượng, dẫn đến béo phì. Cơ chế lưu trữ chất béo do có tiền sử suy dinh dưỡng hoặc thiếu ăn này cũng xảy ra ở nhiều nước nghèo khác trên thế giới.
3. Dậy thì sớm
Ngày nay ở nhiều quốc gia, trẻ em dậy thì từ rất sớm. Theo báo Endocrine Reviews, từ giữa thập niên 1800 đến 1960, độ tuổi bé gái xuất hiện kinh nguyệt lần đầu ở Mỹ đã giảm khoảng 0,3 năm mỗi thế kỷ.Nguyên nhân của việc này được cho là do thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng hơn, điều kiện kinh tế, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hiện nay, độ tuổi có kinh nguyệt trung bình của các bé gái ở Mỹ là khoảng 12,8 - 12,9 tuổi.
Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh được mối liên hệ giữa bệnh béo phì với quá trình dậy thì sớm, các bé gái có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn thường dậy thì sớm hơn.
Theo tiến sĩ Frank Biro - giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Cincinnati ở bang Ohio, Mỹ: “Ngày nay, sự ảnh hưởng của chỉ số khối cơ thể đến độ tuổi dậy thì còn lớn hơn nhiều tác động của nạn phân biệt chủng tộc”.
Biro còn khẳng định, dậy thì sớm để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. Đã có bằng chứng chứng minh các bé gái dậy thì sớm có nguy cơ bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn các bé gái dậy thì đúng tuổi hoặc muộn hơn.
Bên cạnh đó, dậy thì sớm cũng để lại nhiều hậu quả về mặt xã hội. Một đứa trẻ với cơ thể dậy thì đồng nghĩa với việc gặp nhiều nguy hiểm tiềm ẩn và đủ điều kiện để kết hôn. Điều này có nghĩa là bé đó khó có thể tiếp tục học tập hoặc có một sự nghiệp cho riêng mình. Vì vậy theo các chuyên gia, các bé càng dậy thì muộn thì càng nhận được giáo dục tốt hơn.
4. Tuổi thọ cao hơn
Con người ngày nay sống lâu hơn so với trước kia rất nhiều. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu thế kỷ XX đến năm 2012, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng vọt từ 30 lên đến 70 tuổi.
Tổ chức này cũng dự báo tuổi thọ trung bình của nữ giới được sinh ra ở những nước phát triển năm 2030 sẽ lên đến 85 tuổi. Sự gia tăng mạnh mẽ này là kết quả của sự tiến bộ vượt bậc về y học, điều kiện vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước sạch.
Tuy những yếu tố này giảm thiểu tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra nhưng tỷ lệ chết vì các bệnh thoái hóa như Alzheimer, bệnh tim, ung thư ngày càng tăng.
Nói cách khác, để có tuổi thọ dài hơn, con người cũng phải "trả cái giá" tương đương. Các căn bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng và tiểu đường tuýp 1 dần trở nên phổ biến.
Misao Okawa đã 116 tuổi và là người phụ nữ sống lâu nhất thế giới tới thời điểm hiện tại.
Một vài nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng các căn bệnh này liên quan đến việc cải thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Khi cơ thể không tiếp xúc với bất kỳ hoặc rất ít vi trùng, hệ thống miễn dịch sẽ có những phản ứng thái quá với ngay cả những vật lành tính nhất.
Tạm kết:
Vậy điều gì sẽ xảy đến với loài người trong tương lai? Dù muốn hay không, chúng ta đã và đang thay đổi chiều hướng tiến hóa của tương lai loài người.
Sự thay đổi này không phải là do quyết định của một nhóm người đã lên kế hoạch, suy tính cẩn thận mà đó là kết quả của hàng ngàn quyết định diễn ra mỗi ngày do các hoạt động của con người, sự phát triển khoa học - kỹ thuật công nghệ, văn hóa. Vì vậy, rất khó dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với con người trong tương lai.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, Discovery News, Wikipedia...
Theo Kênh 14/Trí thức trẻ