Dường như không ở đâu lại có sự giao thoa về mặt văn hóa đẹp đẽ và độc đáo như tại mảnh đất Sài Gòn. Chỉ cần bước ra đường bạn cũng có thể bắt gặp những con người đến từ nhiều nơi khác nhau, mang trong mình một nét đặc trưng riêng từ lối sống, cái ăn, cái mặc, góp phần tô điểm thêm lên bức tranh văn hóa vốn đa dạng và phong phú nơi đây.
Từ văn hóa cà phê, đọc báo sáng, cho đến cái kiểu văn hóa tụm năm tụm ba “tán phét” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đã tạo nên một nơi không lẫn với bất kỳ chốn thị thành nào khác. Và trong đó, phải kể đến một loại văn hóa dù qua bao nhiêu tháng năm vẫn không hề mai một, chính là văn hóa hẻm Sài Gòn.
Sài Gòn không có 36 phố phường cổ kính và lâu đời Hà Nội. Nhưng bù lại, Sài Gòn có những con hẻm ghi dấu từng bước chân mưu sinh hàng ngày của người dân, tạo nên một hơi thở rất riêng và lạ lẫm, hối hả nhưng cũng không kém phần thú vị.
Nói về số lượng hẻm ở Sài Gòn chắc không có số liệu nào thống kê hết, nhiều là thế nhưng chẳng hẻm nào giống hẻm nào. Mỗi con hẻm như phản ánh đúng cái nết ăn, ở, sinh hoạt của bà con tại đó. Và có lẽ, con hẻm với cái tên “rặt” Hong Kong – Hào Sĩ Phường là đặc trưng và nổi bật hơn cả.
Con hẻm dường như không màng đến những tòa nhà cao, hiện đại xung quanh mà cứ thế bình yên, lãng đãng như thế.Hào Sĩ Phường tọa lạc tại số 206 Trần Hưng Đạo B, Quận 5. Nó cứ ở đó, bình dị nghe tiếng thời gian chầm chậm trôi qua như tách biệt hẳn với không khí ồn ã, tất bật của phố thị, mà rất nhiều người đi lướt qua có thể không nhận ra.
Nhiều người đi qua có thể lướt nhanh mà không hề biết bên trong lại có một con hẻm độc đáo đến thế.Hào Sĩ Phường đã tồn tại hơn 100 năm, là mặt sau của hai chung cư Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo nhất Sài Gòn. Bất cứ ai vừa đặt chân đến đây, ấn tượng đầu tiên chắc chắn chính là những màu sắc rực rỡ của từng ngôi nhà.
Được biết, trước đây màu của những bức tường là màu vàng – màu đặc trưng của các chung cư cũ ở Sài Gòn. Bị thời gian bào mòn, những mảng tường này bắt đầu bong tróc nên được người dân trùng tu lại nhưng vẫn có một vài gia đình sơn như màu ban đầu để gợi nhắc ký ức xưa cũ, tạo nên một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại.
Với lối kiến trúc đan xen, kết hợp giữa xưa và nay, những ngôi nhà có bề ngoài giống nhau nhưng được “khoác” lên mình tấm áo màu sắc khác nhau, tạo nên sự đối lặp nhưng không hề nhức mắt. Từng viên gạch, song sắt được chính đôi bàn tay khéo của gia chủ sơn phết tạo nên vẻ đẹp rất riêng và mang đậm dấu ấn cá nhân.
Kiến trúc của con hẻm là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.Hẻm được chia thành hai khu vực riêng biệt là dãy nhà dưới đất và nhà trên lầu. Ban đầu chỉ toàn người gốc Hoa sinh sống, lâu dần một số người chuyển đi, người Việt mua lại căn hộ nên đời sống và văn hóa của người dân trong hẻm hết sức phong phú.
Khách viếng thăm có thể nghe thấy tiếng nhạc Hoa vang lên từ một ngôi nhà nào đó.
Ở tầng dưới nhà cửa cũng san sát và có kiến trúc, màu sắc giống như tầng 1.Cái tên Hào Sĩ Phường cũng có nhiều cách lý giải khác nhau. Hào là hào hiệp, sĩ là văn sĩ và phường là phường buôn bán. Văn hoá người Hoa kể cả người Việt đều có điểm chung là buôn có bạn, bán có phường, điển hình như khu áo cưới đường Ba Tháng Hai, khu cổng hoa Nguyễn Đình Chiểu, khu thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông...
Bất kỳ ngôi nhà nào cũng có một tầng, đều cao ngang nhau và dùng chung một hành lang đi lại.Cũng có người cho rằng cũng hẻm này của những người làm công cho ông chủ có tên Hào Sĩ, chữ Phường không phải mang nghĩa phường (đơn vị hành chính), mà là một nhóm người làm công cho chủ, hay gọi là “phường” sản xuất.
Mặc cho sự hiện đại, xô bồ đang diễn ra chỉ cách vài bước chân, cuộc sống của người dân trong hẻm vẫn chậm rãi, từ tốn như bao đời nay. Không gian tĩnh lặng làm Hào Sĩ Phường trở thành một nơi bình yên đúng nghĩa giữa lòng Sài Gòn.Một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn chính là trước mỗi nhà người gốc Hoa đều có hai bàn thờ để thờ Thiên (trời) và Thổ địa đặc trưng của văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra, người ta cũng dễ dàng bắt gặp Ngũ phúc lâm môn - miếng giấy đỏ in màu vàng bắt mắt ở trước cửa và trong nhà với quan niệm mang lại sự may mắn và bình an.
Mãnh giấy đỏ mang đặc trưng văn hóa của người Hoa. Lối sống bình dị và thư thái của người dân được thể hiện qua từng góc nhỏ.Hơn 1 thế kỷ trôi qua, cơ sở vật chất của những ngôi nhà trong hẻm đã bắt đầu xuống cấp. Người dân cho biết, Hào Sĩ Phường đang trong diện chờ giải tỏa và vào khoảng thời gian đó, người dân sẽ được bố trí ở tạm tại Thuận Kiều Plaza cũ và một số khu vực ở Quận 8. Theo kế hoạch của thành phố thì trong 1 -2 năm tới, việc giải tỏa sẽ được tiến hành.