Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh người Nhật tụ tập dưới tán cây anh đào trở nên quen thuộc. Mỗi khi đến mùa hoa nở rộ, người dân dường như cũng vui vẻ và yêu đời hơn, bởi anh đào không chỉ tượng trưng cho đất nước mặt trời mọc, nó còn là biểu tượng của chủ quyền quốc gia và tinh thần yêu nước.
Đó cũng là lý do mà người dân nhật bản đều tổ chức ăn mừng mỗi mùa hoa nở. Ngày hoa nở thường sẽ thay đổi qua các năm và khác nhau giữa các vùng trong nước.
Thông tin về hoa được cập nhật hàng ngày trên các chương trình truyền hình để người dân theo dõi. Họ đều chờ đợi ngày được nhìn thấy những chiếc nụ đầu tiên, chuẩn bị cho một kỳ khoe sắc.
hoa anh đào nở rộ khắp các tuyến phố, trên những con đường, trong công viên, trước mỗi tòa nhà… Mỗi khi gió thổi qua, cánh hoa rơi xuống như những bông tuyết trắng khiến người đi bộ không thể không dừng lại chụp ảnh. Vẻ tự hào và say mê đối với hoa có thể dễ dàng nhìn thấy trong ánh mắt của mỗi người dân Nhật Bản.
“Hanami” là từ dùng để chỉ chuyến dã ngoại dưới tán cây anh đào, thời điểm mọi người tụ tập để cùng thưởng hoa. Trong công viên, du khách có thể dễ dàng bắt gặp các gia đình hay nhóm bạn trải bạt, với đồ ăn, thức uống và say mê ngắm nhìn những bông hoa cả ngày.
Nguồn gốc từ “Hanami” đã có từ 1.300 năm trước, vốn để chỉ những người ở tầng lớp cao thưởng thức bữa ăn giữa thiên nhiên. Tuy nhiên, về sau điều này trở nên phổ biến tới mọi tầng lớp. Cha mẹ có cơ hội đưa con ra ngoài hít thở không khí trong lành, còn những người trẻ tuổi có cớ để tụ tập bên nhau.
Trong văn hóa Nhật Bản, hoa anh đào tượng trưng cho sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc sống. Vì lý do đó, chúng thường được dùng như biểu tượng trong các chiến dịch quân sự. Còn nhiều năm về trước, hoa anh đào đại diện cho lý thuyết về sự luân hồi trong Phật giáo.
Đến đây, du khách như lạc vào một thế giới mà sắc hoa thậm chí còn rực rỡ hơn cả ánh đèn neon. Và người Nhật quả thật có quyền để tự hào về điều đó.