Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ khi đứng trên một đỉnh đèo - Ảnh: Ngọc Phạm
Xưa nay mọi người vẫn thường tới Mộc Châu bằng con đường quốc lộ 6: Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với độ dài 190km. Cung đường này ngắn nhất, nhưng quốc lộ 6 đoạn Hà Nội - Hòa Bình thường đông xe cộ trong khi đường lại rất xấu.
Sau khi có được những kiến thức từ trên mạng và một số thông tin chỉ dẫn hành trình, chúng tôi đã quyết định trở lại Mộc Châu bằng một cung đường khác.
1. Từ Ngã Tư Sở, cả nhóm bắt đầu đi khi màn đêm vẫn còn chưa tan hết. Vì chưa ai trong nhóm đi tuyến đường mới với độ dài 250km này, nên cảm giác hồi hộp pha chút nô nóng luôn thường trực.
Đoạn quốc lộ 32 Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì tương đối bình yên, bằng phẳng và chưa ai phải một lần dừng xe hỏi đường. Qua cầu Trung Hà, con đường bắt đầu nhỏ hẹp, vắng nhà dân và không hề có biển chỉ dẫn.
Thậm chí nhiều đoạn địa giới hành chính cũng không có sự tương khớp so với tấm bản đồ trên mạng internet. Phải mất đến mấy lần hỏi đường, chúng tôi mới mò mẫm tới được các địa danh như Thu Cúc, (thị trấn) Phù Yên...
Cung đường vắng lặng uốn lượn qua núi đồi - Ảnh: Ngọc Phạm
Từ thị trấn Phù Yên, đường bắt đầu đèo dốc, uốn lượn liên tục và hầu như vắng tanh. Cái sung sướng của những con người muốn khám phá cung đường mới giờ đã được đền đáp xứng đáng. Càng tuyệt vời hơn khi con sông Đà huyền thoại bắt đầu hiện diện rõ nét bên đường.
Dải nước màu xanh phẳng lặng có lúc phình to như một lòng hồ, có khi lại thắt vào chỉ bằng con suối cứ hút mọi ánh nhìn.
Đã từng có cảm giác về khoảng trời rộng, sông dài khi chinh phục sông Đà mạn Hòa Bình, thì trên hành trình mới này, con sông ấy lại hiện ra với những gì hoang sơ, kỳ vĩ đến không tưởng. Có đoạn bên bờ sông xuất hiện một gốc cây cổ thụ, như điểm dừng chân chẳng thể hay hơn.
Từ đấy, "zoom" ống kính máy ảnh ra phía xa xa và bắt gặp ngay vài điểm nhấn. Đó là mái nhà sàn tỏa khói bếp bình yên giữa bức tranh sơn thủy hữu tình. Đó là những vuông cá của đồng bào Thái nuôi cá, tôm trên lòng hồ và con thuyền nhỏ lặng lẽ như đang chờ người ngư phủ...
Căn nhà sản nhỏ tỏa khói bếp miền sơn cước - Ảnh: Ngọc Phạm
Đoạn Vạn Yên, sông Đà phình ra rộng lớn nhưng hiền lành, lặng yên và có lẽ chỉ nhỏ hơn vùng Thung Nai. Vẻ đẹp của sông Đà với tính cách bình lặng, dịu dàng mà chúng tôi đã thấy như đối lập hoàn toàn với sự hung dữ, hiểm trở mà Nguyễn Tuân đã tả trong tác phẩm Người lái đò sông Đà.
Đường từ bến đò Vạn Yên về Mộc Châu tuy không còn xa, nhưng có lẽ là đoạn thú vị nhất cho những tay lái thích trải nghiệm. Những khúc cua tay áo liên tục với cùng một điệp khúc cảnh sắc: một bên là núi đá dựng đứng, một bên là dòng sông Đà.
Hai bà cháu giặt quần áo bên sông - Ảnh: Ngọc Phạm
Ruộng bậc thang mùa nước đổ - Ảnh: Ngọc Phạm
Cảnh sắc và cung đường như một bài "test" chuẩn mực cho mấy tay xế và mang lại đầy đủ sự thích thú với ai có máy ảnh xịn cùng thẻ nhớ dung lượng lớn. Nhiều cô gái ngồi sau cứ liên tục đòi dừng lại chụp ảnh còn các chàng rai thì mải mê ôm tay lái vi vu.
3. Có người bảo nếu muốn vãn cảnh chùa trong bình yên thì hãy đi vào mùa không lễ hội. Còn nếu muốn có cảm giác ấy khi đến với những thắng cảnh tốt nhất nên tránh ngày lễ, tết, mùa du lịch … Mộc Châu vốn đã hoang sơ, bình yên nên mùa không hoa càng vắng vẻ.
Đào rừng mùa không hoa - Ảnh: Ngọc Phạm
Thác Dải Yếm với những tia nước như sợ tơ trời - Ảnh: Ngọc Phạm
Ngũ Động Bản Ôn huyền bí ít người khám phá - Ảnh: Ngọc Phạm
Đoàn người thảnh thơi phi xe trên những con đường phẳng lặng khắp Thị trấn Mộc Châu. Đến các địa danh như Thác Dải Yếm, Ngũ Động Bản Ôn, Hang Dơi… mà hiếm khi gặp đoàn du khách nào. Cảnh sắc núi rừng, hang động tĩnh tại như ru hồn người lạc vào một thế giới khác.
Sau gần một ngày trên xe, cảm giác bình yên thế này hóa ra lại càng thú vị. Mộc Châu vẫn luôn là một cao nguyên hoang sơ, tươi đẹp với du khách suốt bốn mùa.
Thông tin cho bạn
Để khám phá cung đường mới dẫn tới Mộc Châu, lái xe máy nên lưu ý:
- Đến Ba Vì hoặc Trung Hà cần đổ đầy xăng, vì đoạn từ cầu Trung Hà đến Mộc Châu hầu như chỉ có cây xăng mini giá cao, chất lượng không đảm bảo.
- Cần bảo dưỡng xe trước chuyến đi và mang theo phụ tùng sửa chữa nếu có.
- Chuẩn bị thông tin bản đồ, lịch trình kỹ càng. Khi hỏi đường nên hỏi người trung, cao tuổi đã sống lâu năm và hiểu biết khu vực.
- Vì đoạn đường dài 250km lại hầu như không có điểm ăn uống nên tốt nhất mọi người chuẩn bị đồ ăn nhẹ từ nhà.
HẢI DƯƠNG - NGỌC PHẠM
Nguồn Tuổi trẻ
Nguồn Tuổi trẻ
Có thể bạn quan tâm: