Nếu như cuối tuần này bạn chưa kịp lên kế hoạch "F5" lại bản thân thì dạo quanh "chợ ve chai" nhìn ngắm những món đồ cổ, nhâm nhi ly cafe đắng, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn cảm giác trải nghiệm thú vị.
Gọi là "chợ" cho to nhưng thực ra nơi đây chỉ là điểm buôn bán, giao lưu của những người đam mê đồ cổ vào dịp cuối tuần, tọa lạc tại quán cafe Cao Minh, trong con hẻm 255/47 gần cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh).
Những món đồ đã "nhuốm màu thời gian" được bày bán đẹp mắt tại đây, một nơi mát mẻ trong lành. Bước vào khu chợ này, bạn sẽ quên mất những ồn ào phố xá ngoài kia, mọi thứ cô đọng lại chỉ còn những món đồ được chế tác với đường nét tinh xảo đến đặc biệt.
Ở đây, bạn có thể lê la tìm kiếm được những món đồ tưởng như đã "thất truyền", chỉ có trong những bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung hay rất dễ thấy nhưng khó tìm như nón cóc bere, nón vành phớt,...
Chủ nhân của bộ gương lược này, dựa trên đường nét hoa văn tinh xảo rất có thể từng là một tiểu thư đài các.Tuy vậy, dù bạn có quá tò mò muốn đến ngay trong tuần cũng không được, vì khu chợ này chỉ hoạt động từ 6 giờ sáng Chủ nhật và tới 2 giờ chiều là kết thúc. Có lẽ những người chơi đồ cổ họ có quy tắc và chất riêng của mình, nên không bán từ thứ 7 và cũng không hoạt động vào buổi tối. Với phí vào cổng chỉ 30.000 VNĐ, bạn có thể uống nước, cafe, ăn đồ ăn và dạo chơi, trao đổi quanh chợ.
Những món đồ tuy không mới nhưng để sở hữu một món giá trị không hề rẻ.Những người bán đồ tại đây, được bán mà không mất loại phí nào nhưng bù lại mọi người phải tranh thủ tới sớm để "xí chỗ đẹp" cho gian hàng của mình.
Bàn cờ vua chất lừ và chắc chắn giá khoảng 4.500.000 VNĐ với tuổi đời khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, với tuổi đời như vậy vẫn chưa được coi là 'cổ'. Quá tinh xảo về đường nét hoa văn cho một chiếc ấm đồng.Những người đam mê và bán hàng nơi đây họ cũng có chất riêng của mình, họ có vẻ bề ngoài rất "chất" và có một sự hiểu biết đáng nể, đầy kinh nghiệm về đồ cổ.
Vòng tay ở đây có giá từ 100.000 VNĐ đến cả triệu đồng cũng có, được chế tác từ vật liệu như gỗ, ốc, đá,...Chú Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Đồng hồ này bộ máy của nó chắc cũng trăm năm rồi, tụi con sinh viên mới qua đây phải ko, đây chú lấy rẻ cái vòng tay cho". Sau khi chia sẻ tuổi đời của bộ máy, chú ngỏ lời để giá "sinh viên" khi chúng tôi quan tâm một chiếc vòng khác.
Đồng hồ trên tay chú Nguyễn Văn Sơn.Nét riêng mà chợ này không giống chợ nào đó là, chủ nhân của những món đồ cổ này đôi khi họ mang đến chợ chỉ để cho mọi người chiêm ngưỡng và tìm hiểu, chứ nếu có trả giá cao họ cũng chẳng bán.
Chiếc đồng hồ có cỗ máy trăm tuổi đời.Không phải vì yêu thích, thì cũng phải là những người hiểu biết mới thực nắm được giá trị của những món đồ cổ này. Nếu bạn chỉ là khách vãng lai, bạn sẽ được những người bán nhiệt tình cho biết gốc tích của món đồ bạn đang quan tâm.
Những món đồ bày bán tưởng chỉ có thể gặp lại trong ký ức của thời đại bây giờ.Các đồ được bày biện rất lộn xộn, ngẫu hứng, không theo một quy tắc nào. "Ngông, ngang, độc" đúng chất người chơi đồ cổ.
Hãy tận hưởng ngày cuối tuần để mở mang thêm chút hiểu biết về đồ cổ, biết đâu bạn có thể tìm cho mình được một món đồ đặc biệt nào đó. Một cảm giác rất khác mà ở những chợ khác không có, cũng đáng thử lắm chứ, lên kế hoạch thôi nào!
Mời bạn xem thêm không gian của chợ đồ cổ hay còn gọi là chợ ve chai nhé:
Sách báo đã ngả màu, có chút phai nhạt vì thời gian. Người cầm cuốn sách cũng bị thời gian làm hao mòn.