Nằm ở khu vực Tây Bắc, lào cai được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, hay những khu chợ vùng cao như Cốc Ly, Cao Sơn...
Được sự tư vấn của anh bạn, chúng tôi quyết định" phượt" theo cung đường Lào Cai đi chợ mường khương vòng qua chợ cao sơn xuôi xuống Cốc Ly để đi thuyền sông Chảy và trở lại Lào Cai vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn trên sông Hồng. Nếu muốn đi phượt bằng xe của mình, bạn nên gửi xe từ Hà Nội lên Lào Cai bằng tàu hỏa và ngủ đêm trên tàu để giữ sức khỏe. Còn không bạn có thể đi xe khách giường nằm từ Hà Nội đi Lào Cai theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai với giá vé là 250.000đ/người.
Dọc theo quốc lộ 70 từ thành phố Lào Cai đi đến khu vực bản Phiệt, chúng tôi men theo dòng sông Nậm Thi hiền hòa. Đi khoảng 16 km thì rẽ trái vào quốc lộ 4D đi Mường Khương. Đường đang được nâng cấp, cải tạo nên khá xấu, tuy nhiên, được phóng xe máy trên những cung đường đèo, dốc, quanh co lưng chừng của những dãy núi cao sừng sững, để khám phá sự hùng vĩ của núi non là một trải nghiệm không bao giờ quên đối với chúng tôi.
Trên sườn núi cao, ngoài những thảm ngô vàng rực đang vào mùa thu hoạch là những khu vực trồng dứa và trồng chè của người Mông, người Dáy trải dài hai bên đường tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi vùng cao Tây Bắc. Dứa và chè là hai loại cây nông sản vừa mới được đưa vào trồng tại khu vực huyện Mường Khương nhưng đã nhanh chóng tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho vùng đất này.
Bên cạnh dứa và chè, Mường Khương còn là xứ sở của ớt. Loại ớt ngon nổi tiếng làm nên thương hiệu “Tương ớt Mường Khương” mà bất kỳ du khách nào đặt chân tới vùng đất này cũng muốn mua về làm quà. Từ thị trấn Mường Khương, chúng tôi rẽ phải qua Nấm Lư để lên chợ phiên Lùng Khấu Nhin. Chợ được họp vào sáng thứ 5 hàng tuần bên đường tỉnh 154 với những quán hàng đơn sơ của đồng bào người Mông, người Dáy. Tuy nhiên cũng không kém phần nhộn nhịp như các phiên chợ vùng xuôi với những hoạt động mua, bán các sản vật địa phương như lúa gạo, ngô, dưa, khoai…
Rời chợ phiên Lùng Khấu Nhin chúng tôi tiếp tục vượt qua những con dốc quanh co, vắt vẻo lưng chừng núi để đến với Cao Sơn quanh năm mây mù bao phủ ở độ cao 1400 m so với mặt nước biển. Dải đất cao nguyên này còn bảo tồn được nhiều rừng già với các loại cây gỗ, cây thuốc quý. Sự đa dạng sinh học cùng với sự phân bố phong phú hệ thống hang động sông suối đã tạo cho Cao Sơn một vẻ đẹp thiên nhiên say đắm với những hàng sa mộc thẳng tắp trên triền núi cao hai bên đường. Tạm biệt Cao Sơn sau bữa trưa nhẹ nhàng, chúng tôi đổ đèo xuống Cốc Ly để thăm đập thủy điện Cốc Ly và đi thuyền trên sông Chảy. Đoạn đường dài hơn 30km ghập ghềnh với ổ gà, ổ voi đã tôi luyện thêm cho chúng tôi khả năng lái xe điêu luyện trên các cung đường "phượt" về sau.
Đón chúng tôi tại chân cầu Cốc Ly là anh chàng người Mông Hoa tên A Páo với kinh nghiệm 10 năm đưa đón khách du lịch tham quan trên dòng sông Chảy. Bằng giọng lơ lớ của người Mông nói tiếng Kinh anh bảo; trước đây khi chưa có đập thủy điện Cốc Ly thì anh thường xuyên đưa đón khách tham quan, vì dòng sông lúc nào cũng đủ nước để đi thuyền nhất là vào những ngày chợ phiên như chợ Cốc Ly vào thứ Ba, chợ Cán Cấu vào thứ Bảy hay chợ Bắc Hà vào chủ nhật hàng tuần. Còn bây giờ anh cũng không biết khi nào là thủy điện xả nước nên du khách phải liên hệ trước với nhà thuyền để xem có đủ nước để đi thuyền hay không.
Xuôi thuyền dọc theo sông Chảy, chúng tôi thả hồn bay theo dòng nước trong vắt, mát lạnh. Hai bên bờ là những dãy núi cao vút, xanh thẫm giữa lưng trời, làm bao nhiêu mệt mỏi trên quãng đường xa từ Lào Cai đến đây bỗng nhiên tan biến. Tôi tự nhủ nếu có cơ hội tôi sẽ "phượt" lại cung đường này vào một ngày gần nhất.
Nguồn : Zing.vn
Có thể bạn quan tâm: