Năm 1995, ông Dương Minh Tâm, chủ Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sắt Tài Đạt (quận 1, TP.HCM), cùng một số người bạn trong khi làm sườn xe đạp đã nảy sinh ý tưởng thu nhỏ chiếc xe đạp thành mô hình trưng bày trên kệ sách đặt trong phòng khách. Không ngờ những mẫu xe làm ra xinh xắn và được nhiều người khen ngợi khuyến khích, nên họ tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất, và cho ra đời nhiều mẫu xe khác nhau.
Ông Dương Minh Tâm, chủ Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sắt Tài Đạt.
Đơn đặt hàng ngày càng tăng như một món quà giá trị dành cho những người thợ cũng như khích lệ ông chủ mở rộng đầu tư. Ông Tâm cho biết, một sản phẩm làm ra bán 200.000 đồng nhưng phí đầu tư toàn bộ dây chuyền để làm riêng mã hàng ấy có thể lên đến 40 triệu đồng.Một chiếc xe mô hình sắt có thể lên tới 7-10kg, chiếc nào nhẹ thì cũng xấp xỉ 1kg và được cấu thành bởi 20-50 chi tiết từ phế liệu động cơ xe máy, xe hơi các loại. Vì vậy riêng việc phân loại nguyên vật liệu để đưa vào lắp ráp cũng tốn rất nhiều thời gian. Sau đó, người thợ phải xử lý bề mặt phế liệu kim loại vốn rất bẩn bằng cách đánh bóng nhiều lần, rồi phủ dung dịch chống gỉ sét đến từng ngóc ngách sản phẩm.
Đơn giản nhất là công đoạn làm bánh xe, chỉ cần lắp ráp bôi trơn các loại bạc đạn với kích cỡ khác nhau, nhưng muốn làm vè xe họ phải cặm cụi cắt và gò tấm tôn lớn thành từng mảnh nhỏ. Nguy hiểm và độc hại nhất là khâu sử dụng đèn hàn xì để gắn kết các chi tiết nhỏ như đèn pha, đèn xi-nhan, gương chiếu hậu, chân chống xe, lưới tản nhiệt… Nếu thao tác không cẩn trọng và tuân thủ quy định bảo hộ lao động sẽ dễ bị bỏng hoặc đối mặt với nguy cơ nổ bình gió đá, rò giật điện, hít phải khí độc ở khu vực hàn đèn gió đá.Sản phẩm có nhiều chi tiết đòi hỏi gắn kết chính xác bằng tay, thời gian hoàn thành một sản phẩm có khi mất đến nửa ngày, nên người thợ cần có sức khỏe để tập trung cao độ khi làm việc. Mỗi chiếc xe làm ra đều có những mức độ khó nhất định chứ không hề dễ dàng, đồng thời yêu cầu ý tưởng sáng tạo, trí tưởng tượng khái quát cao để kết hợp các chi tiết nhỏ vụn thành hình thù giống từng chi tiết của chiếc xe.
Ông Tâm cho biết, khi mới sản xuất, sản phẩm còn thô sơ nhưng vẫn có sức thu hút đặc biệt với khách ngoại quốc, khi đó mỗi chiếc xe được bán 40.000-400.000 đồng. Một số mẫu làm theo đơn đặt hàng của khách với kích cỡ to bằng người lớn có thể lên đến 4-5 triệu đồng/chiếc. Hiện nay, những chiếc xe mô hình đã được làm chau chuốt hơn và được tạo kiểu dáng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu khách hàng.Theo người thợ thì làm xe mô hình này quan trọng nhất là chú ý sự cân đối hài hòa trong từng đường nét và giữa các bộ phận của chiếc xe, chứ chưa đặt nặng yếu tố tỷ lệ thu nhỏ chính xác so với xe thật.
Với giá tương đối rẻ và việc bảo quản không khó khăn gì, xe sắt là một trong những lựa chọn làm quà tặng phổ dụng tạo được sự bất ngờ thú vị. Hiện sản phẩm bày bán ở các siêu thị, nhà sách, nhiều nhất là tại các chợ đầu mối hoặc các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch tại Cần Thơ, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng…
Theo Zing
Có thể bạn quan tâm: