Đến với xã Suối Giàng, huyện văn Chấn, tỉnh yên bái , ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ của núi rừng, uống thức trà hơn nghìn năm tuổi, du khách cũng sẽ cảm nhận cuộc sống yên bình của người dân nơi rẻo cao tại đây:
Suối Giàng là xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, cách Hà Nội khoảng 180 km, nằm ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển.
Đây là nơi cư trú của 4 thành phần dân tộc, bao gồm người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm hơn 98% còn lại là các dân tộc khác.
Do tập tục sống thành từng bản tập trung đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn giữ được các nét văn hóa cổ truyền đặc sắc riêng có. Mỗi khi trong bản có gia đình nào làm nhà, mọi người lại cùng nhau đến giúp sức.
Cũng giống như người Mông ở các vùng miền khác trong tỉnh, người Mông ở Suối Giàng chủ yếu sinh sống trên các sườn núi cao cho nên nhà ở của đồng bào luôn được thiết kế với cấu trúc phù hợp với địa hình phức tạp, với môi trường sống, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.
Cuộc sống giản dị, đơn sơ mà chan chứa tình của các gia đình người Mông ở bản cao.
Trẻ em nơi đây ngoài thời gian đến trường thường chơi đùa cùng nhau trên những cây trái quanh nhà.
Thời điểm này cũng là mùa hoa mơ, hoa mận và đào rừng bung nở, báo hiệu mùa xuân đang về trên rẻo cao.
Niềm vui lớn nhất của nhiều du khách khi đến đây là được thưởng thức đặc sản chè Shan tuyết nức tiếng xa gần ngay tại cái nôi sản sinh cây Chè Tổ của thế giới.
Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 100 cm. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc.
Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp...
Ngoài ra, du khách có thể tham quan các đồi chè ở tầng thấp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Với cảnh sắc thiên nhiên và khí hậu trong lành, Suối Giàng từ lâu đã là điểm tham quan, nghỉ dưỡng thú vị cho du khách gần xa, đặc biệt là mỗi độ xuân về.
Nguồn: vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm: