Trải nghiệm tàu công cộng trên kênh
Venice được gọi bằng nhiều cái tên, thành phố nổi, thành phố không xe hơi, thành phố của những con thuyền, hay của cầu và kênh. Điều đó có nghĩa, chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đi bộ hoặc đi tàu thuyền khi đến Venice. Tất cả các quận, các khu đều được nối với nhau bằng những chiếc cầu nhỏ, dốc cao, trên những con kênh cho tàu thuyền qua lại.
Những con hẽm thiếu bóng cây xanh
Sống chung với lụt
Nếu chỉ thăm những công trình vĩ đại như quảng trường, nhà thờ lớn San Marco hay San Maria della Salute, có thể xem Venice thật cổ kính, vì thành phố và những công trình đã được xây dựng cả nửa thế kỷ. Nhưng nếu lang thang ở những con hẻm nhỏ, khám phá cuộc sống của người dân, nhìn sự xuống cấp của các công trình dân sinh, có thể thấy sự già nua của thành phố. Nhiều toà nhà bạc màu, gạch vữa rơi ra khỏi tường, nhiều con đường bị lún vỡ phải lót gỗ tạm, rong rêu bám đầy móng các toà nhà ngập chân trong nước, những đường nứt cũng xuất hiện trên các cây cầu. Tất nhiên, đó là sự phong hoá của thời gian mà những công trình trên dưới 500 năm tuổi luôn dầm chân trong nước khó tránh khỏi.
Tại Venice phố đều nhúng chân xuống nước
“Venice đang chìm dần xuống nước. Trong 100 năm qua, nước đã dâng lên 23cm. Những bãi cát dài ven bờ, như những con đê chắn và giữ cho khu vực ổn định khi mưa bão cũng đang biến mất dần”, Antonio – người lái tàu công cộng giải thích.
Trên đường từ đảo chính ra đảo Burano, ông Antonio chỉ những hòn đảo nhân tạo với những mảng bêtông rộng và hệ thống cần cẩu nói: “Họ đang làm những chiếc cửa ngăn nước khổng lồ, giữa phá Venice và biển Adriatic, chắc năm sau (2014) sẽ hoàn tất. Hy vọng ngăn lũ dâng cao và chặn sự xuống cấp của đầm phá và môi trường sống tự nhiên quanh vùng”. Trong điều kiện bình thường, những cánh cửa này sẽ nằm yên dưới nước. Khi có bão, trong vòng 45 phút các cánh cửa sẽ tự động nâng lên, ngăn cách khu đầm phá và vùng biển phía ngoài. Hệ thống này sẽ tránh cho Venice khỏi lụt, duy trì các hoạt động bình thường trong cảng và ổn định chất lượng nước trong phá. Dự án trị giá 6,7 tỉ đôla do cơ quan nước tại Venice, bộ giao thông hạ tầng Ý và một công ty kỹ thuật tại Venice thực hiện.
Nơi không đất dành cho cõi âm
Hầu như ai đến Venice cũng thắc mắc: vậy người ta chôn người qua đời ở đâu tại thành phố nổi này. Thực tế họ cũng có một nghĩa trang từ những năm 1800 mang tên San Michele. Đó là một hòn đảo khá vuông vức nằm giữa vùng nước mênh mông ở phía bắc San Marcos. Nơi đây, chủ yếu là hệ thống mộ xây cao và nơi đựng tro cốt đã hoả thiêu.
Đảo nghĩa trang tại Venice
Quả không quá khi có người đúc kết: “Nếu có tiền, bạn có thể sống ở Venice; nếu lãng mạn, bạn có thể chết tại Venice, nhưng chôn cất tại Venice thì không thể được”.
Theo Kim Dung (Sài Gòn tiếp thị)