Các nhân vật từng đứng đầu danh sách năm 2009, dành cho những cống hiến 2008, đã không còn góp mặt năm nay. Honda của Takeo Fukui không thực sự ấn tượng. Toyota chỉ có Tổng giám đốc mới Akio Toyoda khiêm tốn ở vị trí thứ 9, bởi hãng ôtô lớn nhất thế giới vẫn chưa thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng.
Trái lại, Hyundai có tới 2 gương mặt nổi bật, đánh dấu một năm "đại thành công". Alan Mulally, vị lãnh đạo tài ba của Ford xứng đáng đứng ở vị trí thứ hai. Volkswagen, tập đoàn ôtô lớn nhất châu Âu, thể hiện sự xuất sắc khi cả Chủ tịch ban cố vấn, Tổng giám đốc và giám đốc thiết kế được vinh danh.
1. Ferdinand Piech: Cố vấn cao cấp của Volkswagen
Đứng đầu những người có ảnh hưởng nhất, Ferdinand Piech còn là nhân vật rất đặc biệt bởi ông là cháu ngoại của Ferdinand Porsche, người sáng lập nên hãng ôtô nổi tiếng thế giới Porsche. Ít ai trong danh sách được sinh ra từ dòng dõi ôtô như ông. Dù không nắm giữ cương vị quản lý nhưng ảnh hưởng ở tập đoàn ôtô lớn nhất châu Âu vẫn nguyên vẹn. Ngoài khả năng lãnh đạo, Piech còn nổi tiếng với 13 người con của 3 bà vợ.
Năm ngoái Piech đứng ở vị trí thứ tư.
Công lao của ông, khiến tạp chí ôtô nổi tiếng của Mỹ phải đặt vào vị trí hàng đầu, là xoay chuyển cuộc chiến với Porsche. Piech đã biến Volkswagen từ thế bị mua sang người mua.
Năm 2008, Porsche lăm le thôn tính Volkswagen khi mua phần lớn cổ phiếu nhằm giành quyền kiểm soát. Thế nhưng, khủng hoảng làm Porsche từ vị trí hãng xe lãi nhất thế giới trở thành con nợ với 14,2 tỷ USD. Vào lúc Porsche không thể trả được khoản nợ này, Piech đã ra tay cứu giúp bằng cách dùng cổ phiếu của Volkswagen mua lại.
Ông đã thắng trong cuộc chiến mà giới ôtô vẫn gọi là "chiến tranh gia đình". Người em họ Wolfgang Porsche phải chấp nhận thất bại còn Wendelin Wiedeking, Giám đốc điều hành Porsche, bị ép phải từ chức ngay lúc chiếc coupe 4 cửa Panamera trình làng.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa kết thúc. Volkswagen đang sở hữu 42% cổ phần Porsche với trị giá 3,3 tỷ euro. Thế nhưng, cổ đông lớn nhất của Volkswagen, một quỹ đầu tư dầu lửa Nauy, cho rằng thương vụ này chỉ tốt cho gia đình Piech và gia đình Porsche chứ không mang lại lợi lộc gì cho công ty.
Với vị trí này, Piech có con đường thăng tiến quá tốt.
2. Alan Mulally: CEO Ford Motor
Nếu năm ngoái Motor Trend phải thận trọng khi đưa Alan Mulally vào danh sách (dù ở vị trí thứ 10) thì năm nay, ông hoàn toàn xứng đáng với vị trí á quân. Gia nhập Ford từ thành tích nổi bật là vực dậy Boeing, Mulally chứng tỏ hãng xe lớn thứ hai nước Mỹ đã không sai lầm.
Trải qua khủng hoảng, Ford là nhà sản xuất Mỹ duy nhất không phải nộp đơn phá sản. Mulally đã may mắn có được khoản tín dụng 23 tỷ USD ngay trước khi ngân hàng Leman Brothers phá sản. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn khi các ngân hàng đánh giá mức tín nhiệm nợ của Ford gần bằng không.
Bên cạnh đó, các mẫu xe toàn cầu như Fiesta và Focus cũng khó có thể thu được lợi nhuận từ thị trường Mỹ, dù chúng bán rất tốt ở châu Âu.
3. Chung Mong Koo: Chủ tịch Hyundai Motor
Hyundai có một năm thành công vang dội. Riêng quý 3, nhà sản xuất này đạt lợi nhuận tới 832 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Doanh số xe bán ra ở Trung Quốc tăng 88%. Tại Mỹ, trong khi GM và Toyota đạt kết quả khiêm tốn tháng 10 thì Hyundai tăng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này của hãng con Kia là 45,3%.
Nhờ đó, vị Chủ tịch đầy tai tiếng này được nâng từ vị trí số 6 của năm ngoái lên đứng hàng thứ ba.
4. Martin Winterkorn: Chủ tịch ban điều hành Volkswagen
Những định hướng của cố vấn cao cấp Ferdinand Piech được thực hiện một cách suôn sẻ bởi Chủ tịch Martin Winterkorn. Motor Trend đưa Winterkorn leo lên 5 bậc so với năm ngoái. Nguyên nhân bởi Volkswagen của ông đã có những bước tiến vượt bậc và có thể vượt doanh số Toyota vào cuối năm nay.
Martin Winterkorn còn nổi tiếng hơn với kế hoạch đạt 1 triệu xe trên thị trường Mỹ vào 2018. Hiện Volkswagen đang dẫn đầu ở thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc.
Tương lai của Winterkorn vẫn tươi đẹp đến khi nào Piech còn thích làm việc với ông.
5. John Krafcik: CEO Hyundai Mỹ
Thịnh vượng của Hyundai ở Mỹ là nguyên nhân chính kéo Krafcik lên tới 11 bậc so với 2008. Các quan niệm xe Hàn xấu, kém bền, mất giá, đang dần thay đổi khi người đàn ông này tung ra chương trình đảm bảo chất lượng mang tên Hyundai Assurance Plan. Người ta càng ngày càng nhận ra lái xe Hyundai cũng thú vị không kém.
Có được sự phục vụ của Krafcik là điều mà hãng xe nào cũng thèm khát. Vì thế, tương lai của vị lãnh đạo này vẫn tươi sáng khi Chủ tịch Chung Mong Koo còn yêu thích.
6. Derrick Kuzak: Phó tổng giám đốc Ford Motor
Giống như Hyundai, việc Ford đứng vững giữa phong ba bão táp là nguyên nhân đưa cái tên Kuzak xa lạ, xếp thứ 20 năm 2008, thành một trong những người nổi bật nhất trong ngành công nghiệp xe hơi.
Đảm nhiệm các kế hoạch phát triển sản phẩm, Kuzak đã giúp Ford "xanh" hơn khi thay động cơ V8 bằng V6 tăng áp turbin. Những loại V6 không hiệu quả, dĩ nhiên, bị loại bỏ, nhường chỗ cho loại 4 xi-lanh sử dụng tăng áp. Các sản phẩm tiêu biểu là Lincoln MKS, MKT, Ford Taurus SHO, Flex.
Tuy nhiên, Ford không phải là cái tên dẫn đầu về mức độ sáng tạo công nghệ động cơ. Volkswagen và Audi còn làm tốt hơn nhiều với kiểu phun xăng trực tiếp áp suất cao FSI/TFSI cho động cơ 4 xi-lanh.
Tương lai của Kuzak phụ thuộc phần lớn vào người kế nhiệm Alan Mulally. Giới phân tích dự đoán khi Ford ổn định và phát triển, Mulally sẽ là người bị thay thế đầu tiên. Bởi ông chỉ thích hợp với "khủng hoảng" nhờ tính quyết đoán và là người ngoại đạo. Còn để phát triển, Ford cần mẫu người khác.
7. Ratan Tata: Chủ tịch Tata Group
Tata có lẽ là cái tên mới nổi được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2009. Sau khi thâu tóm xong hai nhãn hiệu hàng đầu của Anh là Jaguar và Land Rover, Tata tiếp tục tung ra mẫu xe rẻ nhất thế giới giá 2.500 USD, mang tên Nano.
Dù chưa thể khẳng định nhưng nhiều người đã ví von Nano như Ford Model T hồi đầu thế kỷ 20, sản phẩm đã "đặt nước Mỹ lên 4 bánh xe". Giá rẻ, công nghệ chế tạo tốt và thị trường tiềm năng, Nano là tâm điểm của ngành công nghiệp ôtô trong nhiều năm nữa. Và lần đầu tiên, các ông lớn như Toyota, GM, Renault phải hạ mình khi tuyên bố sẽ phát triển sản phẩm mới cạnh tranh với...Nano.
8. Walter de Silva: Giám đốc thiết kế Volkswagen
Walter de Silva có thể được coi như người quan trọng thứ hai trong ngành thiết kế xe hơi, sau Chris Bangle, cựu giám đốc thiết kế BMW. Ông là tác giả của những mẫu xe danh tiếng như Alfa Romeo 147, 156, Audi Nuvolari quattro, A6, Q7, Lamborghini Miura concept (2006), Audi TT, R8, A5 và A4.
Sau khi Bangle rời khỏi BMW, Walter de Silva đặt mục tiêu giúp VW tạo nên cuộc cách mạng trong dòng xe nhỏ. Còn hãng con hạng sang Audi sẽ là hình tượng mẫu mực về thiết kế.
9. Akio Toyoda: CEO Toyota Motor
Từ nhân vật không mấy nổi, Akio Toyoda trở thành mối quan tâm của cả thế giới khi được đặt vào vị trí cầm đầu tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới. Là cháu trai của nhà sáng lập, ban lãnh đạo Toyota hy vọng Akio sẽ áp dụng tốt kinh nghiệm quản lý kiểu gia đình trị, sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh, để vực công ty khỏi thua lỗ.
Mới nhậm chức từ tháng 6 nên Akio chưa chứng tỏ nhiều. Nhưng riêng việc được lựa chọn để cầm quyền Toyota cũng đã khiến Motor Trend không thể không đánh giá cao.
Trước khi ngồi vào ghế nóng, Akio nổi tiếng với phong cách rất Tây. Ít nhà quản lý cấp cao nào ở Toyota lại mê đua xe đến vậy. Ông từng cầm lái siêu xe LF-A ở giải đua 24h Nurburgring dưới dạng ghi danh. Nếu không có Akio, LF-A khó lòng trở thành hiện thực. 500 chiếc sẽ được sản xuất với giá tại Mỹ vào khoảng 370.000 USD.
10. Sergio Marchionne: CEO Fiat Auto/Chrysler Group
Trước khi Sergio Marchionne nắm quyền điều hành Fiat, nhãn hiệu xe hơi Italy đang tụt dốc và có nguy cơ phá sản. Sát cánh cùng vị Chủ tịch Luca di Montezemolo, Marchionne giúp hãng này lại bắt đầu có lợi nhuận vào 2006. Đến 2007, lợi nhuận của Fiat là 3,2 tỷ euro.
Trong số những sản phẩm thành công dưới tài lãnh đạo của Marchionne, có thể kể tới Fiat Panda và Fiat 500, đều từng giành giải Xe của năm tại châu Âu, bên cạnh sự tái xuất của Alfa Romeo. Đồng thời, Sergio Marchionne trở thành người đứng đầu của liên doanh Fiat-Chrysler.
Trọng Nghiệp
Ảnh: Motor Trend