Bu-gi làm nhiệm vụ châm cháy hỗn hợp xăng không khí bên trong buồng đốt. Điều kiện làm việc khắc nghiệt "lúc nóng lúc lạnh", khiến nó trở thành chi tiết hay hỏng nhất trong hệ thống đánh lửa.
Anh Đỗ Xuân Hưng, nhân viên sửa chữa lâu năm tại đại lý Honda Thắng Lợi cho biết khi bu-gi gặp sự cố, xe thường khó nổ máy, khi nóng động cơ chạy giật cục, máy khó chạy ở chế độ ga-lăng-ti...
Nguyên nhân dễ gặp, bu-gi mòn, khoảng cách giữa 2 điện cực vượt quá khả năng của hệ thống đánh lửa, lỗi đánh lửa xuất hiện. Đôi khi hư hỏng này gây ra hiện tượng đánh lửa không tập trung. Sử dụng bu-gi khe hở lớn tạo tia lửa yếu, làm quá trình cháy diễn ra không triệt để, động cơ thải ra nhiều khí độc hơn, đồng thời làm giảm công suất động cơ.
Động cơ xe máy có nhiệt độ cao khi làm việc. Các chi tiết trong tình trạng giãn nở, xe lội nước nhiệt độ giảm đột ngột thường gây ra nứt, vỡ phần sứ cách điện. Tia lửa điện phóng qua khe nứt đó thay vì giữa 2 điện cực và kết quả động cơ chết máy vì hỗn hợp không được đốt cháy.
Nguyên nhân khác là do xéc-măng không gạt hết dầu bản trên thành xi-lanh. Dầu bị đốt cháy bám bẩn bu-gi là giảm điện trở cách điện. Tia lửa sinh ra có công suất yếu, ảnh hương tới quá trình châm cháy.
Theo anh Hưng, mỗi lần bảo dưỡng nên tiến hành kiểm tra và điều chỉnh khe hở theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Nếu phát hiện bu-gi có nhiều bẩn ướt, muội than dính nhiều phải làm sạch bằng máy chuyên dụng. Thực tế nhiều trường hợp vệ sinh bu-gi bằng đầu sắc nhọn đã làm nứt, vỡ lớp sứ cách điện bao quay điện cực dương gây nên hiện tượng phóng điện ngoài ý muốn.
Việc thay thế bu-gi nên được thực hiện định kỳ sau 20.000 km, với loại thông thường. Với xe thường xuyên làm việc với tốc độ chậm, mức tải nhỏ nên sử dụng bu-gi nóng. Còn nếu xe chở nặng, và đi đường trường nên dùng loại bu-gi lạnh để quá trình thoát nhiệt được tốt hơn.
Thế Hoàng